Thực hiện bằng được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô

(BĐT) - Nền kinh tế Việt Nam đã đi qua năm 2017 với mức tăng trưởng cao và vĩ mô ổn định. Năm 2018, có nhiều thuận lợi cho tăng trưởng, nhưng cũng xuất hiện nhiều sức ép lớn hơn lên lạm phát. Nhận diện rõ thách thức, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kiên định thực hiện bằng được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng xuyên suốt của ổn định kinh tế vĩ mô đối với tạo nền tảng phát triển bền vững, tạo môi trường điều kiện thuận lợi thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ảnh: Hiếu Nguyễn
Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng xuyên suốt của ổn định kinh tế vĩ mô đối với tạo nền tảng phát triển bền vững, tạo môi trường điều kiện thuận lợi thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Triển vọng sáng về tăng trưởng năm 2018

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra hôm qua (1/3/2018), Thủ tướng Chính phủ đánh giá, kinh tế - xã hội tháng 2 chuyển biến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là kinh tế vĩ mô ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2, tháng có mức tiêu dùng cao, tăng 0,73%. Lạm phát cơ bản được kiểm soát. Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, xuất khẩu 13,4 tỷ USD trong tháng 2, 2 tháng đạt 33,6 tỷ USD, tăng gần 23%. Đặc biệt, xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng 25,7%, cao hơn khu vực FDI. Hai tháng đầu năm, xuất siêu đến 1,08 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước nhập siêu hơn 800 triệu USD.

Các ngành kinh tế tiếp tục phát triển ổn định, sản xuất công nghiệp tăng mạnh. Mặc dù vào tháng Tết nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8%, lũy kế 2 tháng tăng 15,2%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 17,7%, khai khoáng tăng 5,7%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng tăng 10,1%. Vốn FDI thực hiện đạt 1,7 tỷ USD, tăng 9,7% (cùng kỳ 2017 tăng 3,3%). Đặc biệt, góp vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 102,5%. Trong tháng Tết, có đến 7.864 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 2 tháng có đến gần 19.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng gần 30%.

Nhiều dự báo tiếp tục thể hiện sự lạc quan về tăng trưởng kinh tế của năm 2018. Sau 2 tháng đầu năm, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) của Bộ KH&ĐT nhận định, tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 sẽ tiếp tục chuyển biến tích cực, kế thừa xu thế tăng trưởng từ năm 2017 và nhờ sự gia tăng hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo, xây dựng, thương mại, bán buôn và bán lẻ, ngân hàng và du lịch. Kinh tế và thương mại thế giới dự báo tăng trưởng cao hơn năm 2017, tạo thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế và xuất khẩu. Tăng trưởng sẽ tiếp tục cải thiện ở cả ba động lực kinh tế, mạnh mẽ nhất là khu vực dịch vụ. Khu vực công nghiệp và xây dựng được kỳ vọng có bước bứt phá khi những nỗ lực từ phía Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng được thực hiện triệt để và quyết liệt trong năm 2017 sẽ phát huy hiệu quả trong năm 2018. Khu vực nông lâm và thủy sản sẽ duy trì ở mức tăng trưởng khá khi các giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển nông nghiệp bền vững đang dần được triển khai và phát huy hiệu quả. Từ đó, NCIF dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2018 có khả năng khởi sắc hơn so với dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP có thể sẽ đạt mức 6,83%.

Cùng quan điểm, ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng Bộ phận nghiên cứu kinh tế của Công ty CP Chứng khoán MB, phân tích từ cả phía cung và cầu đều thấy nhiều triển vọng lạc quan về tăng trưởng năm 2018. Về sức cầu, cầu nội địa tốt nhờ tâm lý lạc quan, nhu cầu đầu tư và nhu cầu tiêu dùng đang lên cao; cầu quốc tế cũng có xu hướng tăng khi các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như EU, Mỹ đều tăng trưởng kinh tế khả quan. Về năng lực cung, Việt Nam trong những năm qua cải cách cơ cấu tốt, năng lực cạnh tranh, năng lực sản xuất tăng, lãi suất giảm cũng hỗ trợ rất tốt cho sản xuất kinh doanh, đầu tư. Các ngành nghề, lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, công nghiệp điện tử, sắt thép đều có đầu tư lớn trong năm trước, năm nay sẽ tăng trưởng tốt. 

Kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô

Khi nền kinh tế ở mặt bằng tăng trưởng cao thì ổn định kinh tế vĩ mô bao giờ cũng là thách thức. Ông Hoàng Công Tuấn cho rằng, lạm phát năm nay có đạt được dưới 4% hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chính sách điều hành của Chính phủ, đặc biệt là chính sách tín dụng. Lúc này nếu không kiểm soát tốt cung tiền thì rủi ro lạm phát cao hơn mục tiêu là rất lớn, ngược lại nếu Ngân hàng Nhà nước giữ được tăng trưởng tín dụng dưới 17% như kế hoạch thì sức ép sẽ giảm. Ông Đặng Đức Anh, Trưởng Ban Phân tích và Dự báo của NCIF cũng kỳ vọng rằng, Chính phủ đã có nhiều kinh nghiệm trong ứng phó với các thách thức lạm phát, đặc biệt là bài học từ lạm phát cao, bất ổn những năm 2010, 2011.

Trong 2 phiên họp Chính phủ thường kỳ của 2 tháng đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt lưu ý sức ép lạm phát năm nay sẽ lớn hơn, giá cả, tình hình thế giới có nhiều biến đổi, tất cả các cấp, các ngành, các địa phương phải chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong bài viết về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò quan trọng xuyên suốt của ổn định kinh tế vĩ mô đối với tạo nền tảng phát triển bền vững, tạo môi trường điều kiện thuận lợi thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Thủ tướng chỉ ra, lịch sử kinh tế thế giới trong những thập kỷ vừa qua cho thấy, hầu hết các nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững đều gắn liền với việc thực hiện hiệu quả các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, như Nhật Bản từ những năm 1950, Hàn Quốc và những con hổ châu Á từ những năm 1960...

Thủ tướng đã nêu ra nhiều giải pháp để kiểm soát lạm phát, trong đó đầu tiên là thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, hiệu quả; điều hành cung tiền và tăng trưởng tín dụng phù hợp, tránh gây sức ép lên lạm phát; thúc đẩy cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng...

Thủ tướng yêu cầu cần chủ động điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất phù hợp, kết hợp đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để thực hiện bằng được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; chú trọng thời điểm, mức độ điều chỉnh chính sách của các nước, nhất là về lãi suất để có đối sách phù hợp, kịp thời.

Chuyên đề