Thúc đẩy đàm phán để tạo thuận lợi cho biên mậu

(BĐT) - Đây là yêu cầu được Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đưa ra tại Hội nghị Phát triển thương mại biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và hải đảo, tổ chức ngày 5/1.
Sẽ tiến hành ký kết Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc trong năm 2016. Ảnh: Nhã Chi
Sẽ tiến hành ký kết Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc trong năm 2016. Ảnh: Nhã Chi

Theo Bộ Công Thương, năm 2015, tổng kim ngạch mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới ước đạt 27,56 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2014. Trong đó, tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc chiếm khoảng 85%, tuyến biên giới Việt - Lào chiếm khoảng 4% và tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia chiếm khoảng 11%.

Cùng với đó, các chính sách phát triển về hạ tầng thương mại đối với miền núi, vùng dân tộc thiểu số đã được ban hành, đóng góp những giải pháp quan trọng cho phát triển hạ tầng thương mại nông thôn, biên giới, miền núi, hải đảo… Nhờ đó, nhiều chợ biên giới, chợ miền núi, vùng sâu xa và hải đảo được xây mới hoặc cải tạo nâng cấp. Tính đến tháng 12/2015, có 8.718 chợ, riêng tại địa bàn nông thôn có 6.596 chợ, chiếm 76,98 tổng số chợ của cả nước.

Tuy nhiên, theo phản ánh của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng, hoạt động thương mại biên giới ở địa phương vẫn còn nhiều khó khăn khi huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, tiến độ xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn còn chậm; công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, thị trường còn nhiều hạn chế trong triển khai thực hiện…

Do vậy, để tạo thuận lợi trong giao thương tại cửa khẩu, tỉnh Lạng Sơn đề nghị, bố trí vốn đầu tư hoàn thành một số đường giao thông như: đường tuần tra biên giới, đường dẫn lên các cột mốc và hệ thống đường kết nối với đường Vành đai 1; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3B đoạn Km66+600 – Km125; cải tạo nâng cấp Quốc lộ 31…

Theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, để đẩy mạnh hoạt động giao thương tại cửa khẩu, tới đây cần thúc đẩy đàm phán với các nước có chung đường biên giới với Việt Nam; thúc việc ký kết các hiệp định, thỏa thuận tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại biên giới. Cùng với đó, cần sớm nghiên cứu Đề án thành lập Hiệp hội kinh doanh biên mậu để đảm bảo quyền lợi cho các thương nhân của Việt Nam trong kinh doanh với Trung Quốc và các nước láng giềng, hạn chế tình trạng thường xuyên bị thua thiệt, ép giá, do hoạt động thương mại biên giới là hoạt động đặc thù, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại biên giới của Việt Nam luôn bị động và phụ thuộc nhiều vào điều tiết từ phía Trung Quốc.

Đặc biệt, sẽ tiến hành ký kết Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc trong năm 2016 để thay thế Hiệp định năm 1998; cụ thể hóa những hợp tác chính sách nhằm thực hiện hiện có hiệu quả Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào và Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào trong năm 2016.

Chuyên đề