Thu về 20-30 tỷ USD từ thoái vốn Nhà nước

(BĐT) - Tại phiên họp thứ 4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiếp tục với nội dung cho ý kiến về nhiều báo cáo kinh tế - xã hội, ngân sách, kế hoạch kinh tế, tài chính quan trọng của giai đoạn 2016 – 2020.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Cần nguồn lực 10.567 tỷ đồng cho tái cơ cấu 

Tại tờ trình báo cáo trước UBTVQH về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 2016 – 2020, Chính phủ đề ra 5 nội dung tái cơ cấu trọng tâm gồm: Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý FDI; Tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân sách nhà nước và dịch vụ sự nghiệp công; Tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán; Hiện đại hoá công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng; Tái cơ cấu thị trường các nhân tố sản xuất quan trọng (thị trường quyền sử dụng đất, lao động, khoa học công nghệ). 

Trong đó, Kế hoạch đề ra một số chỉ tiêu cụ thể cho các nội dung trọng tâm này, như kiểm soát lạm phát dưới 4% những năm đầu kế hoạch và 3% đến năm 2020; đảm bảo ổn định và lành mạnh các cân đối lớn của nền kinh tế. Dự trữ ngoại hối lên khoảng 4 – 5 tháng nhập khẩu. Giảm thâm hụt NSNN xuống dưới 4% GDP vào năm 2020, duy trì nợ công không vượt quá 65% GDP. Đẩy nhanh thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp một cách thực chất (thoái toàn bộ vốn Nhà nước sở hữu trên 50% vốn, thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định tại các ngành còn lại). Giảm bớt ngành nghề quy định nhà nước cần nắm giữ đa số cổ phần. 

Đối với quản lý đầu tư công, tiếp tục huy động hợp lý các nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm tổng mức đầu tư xã hội khoảng 32-34% GDP. Tỷ trọng đầu tư nhà nước khoảng 31-34% tổng đầu tư xã hội; hàng năm tăng dần tiết kiệm từ ngân sách cho đầu tư; dành khoảng 24-25% dự toán chi NSNN giai đoạn 2016 – 2020 cho đầu tư phát triển. 

Để thực hiện kế hoạch này, bên cạnh nhiều giải pháp được nêu ra, Chính phủ cũng tính toán nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu giai đoạn tới trong khuôn khổ các nguồn lực huy động chung của nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, dự kiến khoảng 10.567 tỷ đồng theo giá thực tế. 

Thoái vốn nhà nước có thể thu về 20 – 30 tỷ USD 

Do khả năng huy động nguồn lực bổ sung là rất hạn chế, việc thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu được quán triệt theo quan điểm các nhiệm vụ ưu tiên của Kế hoạch tập trung vào nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực, từng bước để cơ chế thị trường giữ vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực. Do vậy, hạn chế tối đa việc huy động các nguồn lực bổ sung từ NSNN để thực hiện tái cơ cấu. 

Trong một số ít trường hợp có khả năng sử dụng một số nguồn lực nhà nước nhất định, đặc biệt là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, việc dự kiến lợi ích và chi phí cụ thể của các nhiệm vụ tái cơ cấu sẽ được ước tính và đề xuất cụ thể tại các Đề án, như tại Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. 

Ngoài ra, tận dụng tối đa nguồn lực thu được từ các nhiệm vụ tái cơ cấu đặt ra trong Kế hoạch để đầu tư thực hiện 3 đột phá chiến lược, đặc biệt là phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ. Cụ thể, việc đẩy mạnh thoái vốn Nhà nước tại các DN có thể tạo nguồn thu từ 20 – 30 tỷ USD trong giai đoạn 2016 – 2020. 

Gắn liền tới tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, Kế hoạch tái cơ cấu đã đề ra 70 nhiệm vụ, trong đó có 10 nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế có tính ưu tiên cao gắn với thời gian thực hiện cụ thể. Trong đó, có một số nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện ngay trong 2 năm tới. Đó là cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển DN tư nhân ở cả cấp Trung ương và địa phương; kiên quyết cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước một cách thực chất theo lộ trình và kế hoạch đã được duyệt; hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công; tập trung phát triển và tái cơ cấu các ngành kinh tế ưu tiên, dựa trên các sáng kiến và dự án đề xuất và thực hiện bởi khu vực doanh nghiệp… 

Cần tái cơ cấu chính bộ máy thực hiện tái cơ cấu 

Thẩm tra Kế hoạch tái cơ cấu, Uỷ ban Kinh tế cơ bản thống nhất với các quan điểm của tờ trình nhưng đề nghị nhấn mạnh quan điểm có tính xuyên suốt trong chỉ đạo và thực hiện tái cơ cấu, đó là “tập trung phân bổ lại, khai thác hiệu quả các nguồn lực, loại bỏ cách tiếp cận theo hướng xin – cho; nhanh chóng khoanh vùng để xử lý các vấn đề tồn đọng một cách kịp thời”. 

Đồng thời, cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát các nguồn lực và phương thức huy động, để đảm bảo các đề án, nhiệm vụ đề xuất đã được cân đối trong Kế hoạch Đầu tư công trung hạn, Tài chính 5 năm. 

Một số ý kiến của đại biểu quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 cho rằng, cần xem xét lại phương cách điều hành tái cơ cấu thời gian qua, đề nghị nâng cao năng lực, kỷ luật thực thi các kế hoạch tái cơ cấu. Thậm chí, cần tái cơ cấu chính bộ máy thực hiện tái cơ cấu theo hướng hình thành một cơ quan với quyền hạn đủ lớn để điều phối, chỉ đạo thực hiện thúc đẩy quá trình tái cơ cấu đúng hướng và mạnh mẽ. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần tăng cường công tác giám sát của Quốc hội để việc triển khai thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 ở các cấp, các ngành quyết liệt hơn, đạt hiệu quá thiết thực hơn, có ý kiến đề nghị thành lập Nhóm theo dõi việc thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu. 

Uỷ ban Kinh tế cũng lưu ý khâu tổ chức thực hiện, do đây là khâu yếu nhất trong việc triển khai các chính sách lâu nay, nên cần có biện pháp quyết liệt hơn, sáng tạo hơn trong cách thức tổ chức thực hiện. 

Theo 3 kịch bản tái cơ cấu, kịch bản 1 có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất (7,01%/năm), kịch bản 2 là 6,86%/năm và kịch bản cơ sở là 6,55%/năm; lạm phát bình quân hàng năm tương ứng với 3 kịch bản này là 3,5%; 4,5% và 5%. Trong nội dung Kế hoạch, Chính phủ tiếp cận các mục tiêu tái cơ cấu theo kịch bản 2 (đẩy nhanh tái cơ cấu), tuy nhiên có tiếp cận kịch bản 1 (tái cơ cấu quyết liệt) ở những nội dung có khả năng đẩy nhanh tốc độ.  

Tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế cho rằng, việc tiếp cận chủ yếu theo kịch bản 2 và có tiếp cận kịch bản 1 ở một số nội dung tái cơ cấu kinh tế như đề xuất của Chính phủ chưa thuyết phục để đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020 (do chỉ kịch bản 1 có chỉ tiêu lạm phát và bội chi ngân sách phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm tới).

Chuyên đề