Thiên - Địa - Nhân: Triết lý phương Đông về sự phát triển bền vững

(BĐT) - Trong lịch sử nhân loại, một cuộc tranh luận về văn hóa Đông - Tây đã diễn ra sôi nổi và kéo dài. Thời gian đầu, người ta thường nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa hai nền văn hóa, kèm theo là một ứng xử cực đoan cảm tính, ủng hộ bên này thì mặc nhiên bác bỏ bên kia. 
Phát triển bền vững kêu gọi một sự phát triển toàn diện, tương xứng, hài hòa, cân đối giữa các chiều kích kinh tế - kỹ thuật với chiều kích văn hóa - nhân văn
Phát triển bền vững kêu gọi một sự phát triển toàn diện, tương xứng, hài hòa, cân đối giữa các chiều kích kinh tế - kỹ thuật với chiều kích văn hóa - nhân văn

Gần đây, các bên đã có một thái độ duy lý, mềm dẻo và khoan dung hơn. Vì lẽ Đông và Tây cùng đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng cần bổ sung nhau, hướng tới một viễn cảnh văn hóa dung hợp trong một thế giới toàn cầu hóa, đa dạng về bản sắc và phổ quát về giá trị.

Phát triển bền vững dưới 2 góc nhìn Đông, Tây

Trong vài thập niên gần đây, “phát triển bền vững” đã trở thành một cụm từ khóa thời thượng trong giới truyền thông đại chúng và nghiên cứu học thuật. Hiểu theo nghĩa rộng, phát triển bền vững có thể áp dụng ở nhiều cấp độ: quốc tế, khu vực, quốc gia, vùng miền, các cộng đồng người, gia đình cũng như từng cá nhân.

Theo Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD), phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng những nhu cầu riêng của chính họ trong hiện tại mà không làm phương hại đến những thế hệ tương lai.

Nói một cách khác, phát triển bền vững là một loại hình phát triển với tầm nhìn xa xuyên thế hệ, được bảo đảm an toàn, một sự phát triển toàn diện, cân đối giữa kinh tế, xã hội và văn hóa, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, là điểm xuất phát ban đầu, đồng thời cũng là điểm đến cuối cùng.

Trong lịch sử văn hóa nhân loại, phương Đông và phương Tây đều đã có những cách tiếp cận riêng của mình dưới những góc nhìn khác nhau đối với phát triển bền vững. Trong đó, có triết thuyết Thiên - Địa - Nhân của phương Đông, còn gọi là thuyết Tam Tài.

Triết lý Thiên - Địa - Nhân bắt nguồn từ rất sớm trong tư tưởng cổ đại Trung Hoa. Theo Kinh Dịch cũng như lời bàn của Chu Hy sau này, trong mỗi quẻ đơn Bát quái đều có ba vạch biểu hiện Tam Tài (ba cõi), sau phát triển thành các quẻ kép 6 hào (hai hào trên là Thiên, hai hào giữa là Nhân, hai hào dưới là Địa).

Lão Tử viết trong Đạo Đức Kinh: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên” (Nhân pháp Địa, Địa pháp Thiên, Thiên pháp Đạo, Đạo pháp tự nhiên).

Đổng Trọng Thư, chủ soái Hán Nho đã hình thành thuyết “Thiên Địa Vạn Vật đồng nhất thể” và “Thiên Nhân tương dữ” nói về tính thống nhất và mối liên hệ khăng khít của vũ trụ: “Trời, Đất và Người là nguồn gốc của vạn vật. Trời sinh ra vạn vật, Đất nuôi chúng, Người hoàn thành chúng.” (Thiên Địa Nhân, vạn vật chi bản dã. Thiên sinh chi, Địa dưỡng chi, Nhân thành chi). Theo đó, Thiên là bầu trời, ông Trời, các hiện tượng thiên nhiên, Địa là mặt đất với giới tự nhiên, vạn vật. Nhân là con người, cộng đồng xã hội người.

Trong cụm từ Thiên - Địa - Nhân, Người đứng ở vị trí thứ ba, nhưng thực ra tồn tại giữa Trời và Đất, có liên hệ tương tác thuận nghịch chặt chẽ với trời đất, vạn vật, xã hội. Quy giản theo những thuật ngữ hiện đại, chúng ta có chùm ba khái niệm: “Thiên nhiên - Xã hội - Con người”, hoặc đúng hơn là “Con người - Xã hội - Thiên nhiên”.

Triết lý Thiên - Địa - Nhân bao hàm hai nội dung cốt lõi. Thứ nhất, ba thành tố của nó thống nhất về bản chất, chuyển hóa lẫn nhau. Thứ hai, ba thành tố đó có tương tác mạnh mẽ tới nhau theo chiều nghịch hoặc thuận, hướng tới một trật tự hài hòa. Đó chính là sự vận động âm - dương của đạo Trời, đạo Đất và đạo Người. Có thể coi triết lý Thiên - Địa - Nhân là một học thuyết nhất nguyên lưỡng cực, tương tự như các định luật chuyển hóa và bảo toàn năng lượng trong vật lý học hoặc quy luật thống nhất - mâu thuẫn trong phép duy vật biện chứng của phương Tây.

Trong vấn đề phát triển bền vững, triết lý Thiên - Địa - Nhân dạy con người phải biết kính Trời, tức tôn trọng, hòa giải và hòa hợp với môi trường Thiên nhiên. Lâu nay, con người trượt theo đà duy lý khai minh, đã trở nên quá kiêu ngạo trong tham vọng “chinh phục thiên nhiên”, đối xử có phần “hỗn xược” với Trời Cha, Đất Mẹ. Sự trừng phạt giờ đây đã trở thành nhãn tiền, do việc phát triển nóng vội quá đà, gây tổn hại tới Thiên nhiên. Môi trường sinh thái trên rừng dưới biển bị ô nhiễm, hủy hoại, nguy cơ biến đổi khí hậu, sự gia tăng đến mức báo động các thiên tai, nhân tai, dịch bệnh. Đã đến lúc con người phải kịp thời hối lỗi, trở về làm lành, hòa giải, thân thiện với thiên nhiên.

Triết lý Thiên - Địa - Nhân cũng dạy chúng ta phải tôn trọng, tuân thủ đạo Đất cũng như đạo Người. Phát triển bền vững kêu gọi một sự phát triển toàn diện, tương xứng, hài hòa, cân đối giữa các chiều kích kinh tế - kỹ thuật với chiều kích văn hóa - nhân văn. Phát triển đâu chỉ là tăng trưởng. Đối tượng và tiêu chí đích thực của phát triển bền vững phải chính là những con người bằng xương bằng thịt, chứ không phải là những con số trần trụi, dù thực hay ảo. Muốn vậy, việc hoạch định phát triển phải thuận lòng người và dư luận xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, mà không chỉ tuân theo một giáo điều hay phục vụ một nhóm lợi ích.

Những tư tưởng lớn thường gặp nhau. Bằng những ngôn ngữ diễn đạt khác biệt, triết lý Thiên - Địa - Nhân truyền thống đã chia sẻ tiếng nói chung và những gợi ý tích cực với những luận cứ khoa học hiện đại trong vấn đề phát triển bền vững trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam. Trong đời thường, triết thuyết còn được ứng dụng như một phương châm xử thế, một kỹ năng sống: muốn thành công, cần phải biết hành động đúng lúc, đúng chỗ và được mọi người ủng hộ. 

Điểm yếu từ kiểu luận cứ “nhị trùng”

Dù có nhiều điểm tích cực nêu trên, tuy nhiên, với tư duy phức hợp, triết lý Thiên - Địa - Nhân trong vấn đề phát triển bền vững, bên cạnh sự minh triết, cũng ẩn chứa một số khiếm khuyết. Có lẽ điểm yếu cơ bản của nó là kiểu luận cứ “nhị trùng”, cách nói nước đôi, hiểu thế nào cũng được. Điều đó dẫn đến khả năng giải thích thiên kiến, sai lệch các khái niệm và sự ly khai ngày càng tăng giữa lý thuyết và thực tế.

Giáo sư Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) Dương Chấn Ninh (Nobel Vật lý 1957) cho rằng thuyết Thiên - Nhân hợp nhất trong Kinh Dịch đã phần nào đơn giản hóa sự vật khi không nhận thấy bên cạnh mặt đồng nhất, còn có mặt phức tạp và sự khác biệt giữa thiên nhiên và con người. Cũng vậy, khi giải thích thuyết âm dương, người Trung Quốc đã nhấn mạnh quá mức tính hài hòa mà chưa chú trọng mặt xung đột. Theo ông, những quan điểm đó đã kìm hãm sự phát triển canh tân của khoa học kỹ thuật Trung Hoa thời cận đại. Tất nhiên, ý kiến của Dương Chấn Ninh vẫn còn đang gây tranh cãi.

Đồng Trọng Thư cũng làm cho thuyết Thiên - Nhân tương ứng trở thành xơ cứng. Ông nói đến sự vận động âm - dương, nhưng lại đi tới kết luận một chiều mang tính bảo thủ: “Trời không thay đổi, đạo cũng không thay đổi” (Thiên bất biến đạo diệc bất biến). Trong khi trước đó, sách Trung Dung giảng có phần thuyết phục hơn: “Có vận động, ắt có chuyển biến, đã chuyển biến, tất phải chuyển hóa” (Động tắc biến, biến tắc hóa).

Thế giới đang không ngừng vận động, biến hóa. Thuyết Thiên - Địa - Nhân và sự phát triển bền vững cũng nên nhận thức trong một toàn cảnh vận động và biến hóa như thế.

Chuyên đề