Thái Nguyên cần tập trung phát triển các lĩnh vực có thế mạnh

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luậncủa Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên.
Một góc thành phố Thái Nguyên
Một góc thành phố Thái Nguyên

Trong 8 tháng đầu năm 2017, kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên tiếp tục chuyển biến tích cực: Tăng trưởng kinh tế đạt 14,1%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 18,1%; xuất khẩu ước đạt 15,43 tỷ USD, tăng 26,7%; thu ngân sách đạt 8.409 tỷ đồng, tăng 34,8%, trong đó thu nội địa tăng 38%; khách du lịch đạt trên 1,7 triệu lượt (trên 32 nghìn lượt khách quốc tế). Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tăng mạnh với tổng vốn đăng ký trên 7,2 tỷ USD. Các dự án sử dụng nguồn vốn ODA trên địa bàn tỉnh được tích cực triển khai, tiến độ giải ngân tốt, đáp ứng yêu cầu của nhà tài trợ...

Tuy nhiên, Thái Nguyên còn có những bất cập, hạn chế, điểm nghẽn cản trở tốc độ phát triển như: chưa phát huy tốt lợi thế so sánh, tiềm năng để phục vụ nhu cầu phát triển; du lịch - dịch vụ chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế; kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, giao thông chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao, nhất là ở địa bàn huyện, xã nông thôn và miền núi; liên kết vùng còn hạn chế...

Để phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế, phấn đấu quyết liệt hoàn thành các mục tiêu đề ra, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Thái Nguyên cải cách cơ chế, thể chế, cải thiện môi trường đầu tư theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp như đã đề ra trong các Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/2/2017, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận và triển khai dự án, phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Tiếp nhận ý kiến của người dân và doanh nghiệp, giải quyết hiệu quả những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội.

Đồng thời có các giải pháp thiết thực, phù hợp để phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra cho năm 2017, góp phần vào tăng trưởng GDP 6,7% của cả nước, tạo nền tảng cho các năm tiếp theo.Đẩy mạnh công tác phối hợp, liên kết với các ngành, địa phương liên quan, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Tập trung phát triển các lĩnh vực có thế mạnh, mang tính đột phá như: Xuất nhập khẩu, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp luyện kim, khai khoáng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…

Tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Thái Nguyên tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước nhất là các dự án FDI chất lượng cao, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo nguồn thu cho ngân sách; không tiếp nhận những dự án có công nghệ lạc hậu; gắn kết doanh nghiệp địa phương với doanh nghiệp FDI. Lựa chọn phát triển các sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, các sản phẩm công nghệ cao, nhất là các sản phẩm điện tử, sản phẩm công nghệ thông tin, các dịch vụ tư vấn, dịch vụ kỹ thuật cao... ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, công tác giải quyết việc làm, chăm lo đối với người có công, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, đồng bào dân tộc...; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, giải quyết việc làm cho lao động ở vùng nông thôn và các khu tái định cư; tăng cường xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân trong các khu công nghiệp; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu công nghiệp.

Tỉnh Thái Nguyên cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là đầu tư tư nhân và FDI, ODA. Đối với các dự án ODA đang triển khai, cần chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, ưu tiên bố trí đủ vốn đối ứng; chủ động làm việc với nhà đầu tư, phối hợp với các Bộ ngành để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đưa các dự án sớm đi vào hoạt động. Rà soát tiến độ, xem xét điều chỉnh kế hoạch vốn đã phân bổ cho các chương trình, dự án không có khả năng giải ngân sang các chương trình, dự án có khả năng giải ngân tốt, ưu tiên các chương trình, dự án kết thúc Hiệp định năm 2017.

Năm APEC 2017, tỉnh Thái Nguyên đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến, quảng bá tiềm năng, lợi thế của tỉnh, thu hút huy động các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước. Chú trọng kiểm soát chất lượng dịch vụ, nâng cao tính chuyên nghiệp; bảo đảm an toàn, an ninh, vệ sinh môi trường, phát triển dịch vụ du lịch thu hút khách du lịch quốc tế; thúc đẩy chế biến, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản; tuyên truyền, giám sát và thực hiện các biện pháp phòng chống các dịch bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm từ cấp tỉnh đến cấp xã.

Chuyên đề