Thách thức nâng cao chất lượng tăng trưởng

(BĐT) - Kết quả tăng trưởng quý I là tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế. Tuy nhiên, bối cảnh năm nay đang đặt ra nhiều thách thức, các quý sau sẽ phải cẩn trọng, đi theo mục tiêu phù hợp để tăng trưởng cao đi đôi với ổn định vĩ mô, phát triển bền vững.
Quý I năm nay GDP tăng trưởng đột biến chủ yếu là nhờ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Ảnh: Gia Khoa
Quý I năm nay GDP tăng trưởng đột biến chủ yếu là nhờ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Ảnh: Gia Khoa

Nền kinh tế vẫn đối diện nhiều thách thức

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, con đường phía trước của nền kinh tế Việt Nam trong năm nay vẫn còn một số thách thức cả từ tình hình thế giới và trong nước.

Cụ thể, bối cảnh thế giới hiện nay đang đặt ra 3 thách thức lớn đối với Việt Nam. Đó là xu thế bảo hộ thương mại, chiến tranh thương mại đang được dự báo gia tăng và có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Việt Nam có thể không bị tác động trực tiếp nhiều nhưng có thể chịu tác động gián tiếp đáng kể, ví dụ như ảnh hưởng đến dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Ngân hàng trung ương các nước, đặc biệt là Mỹ, bắt đầu thắt chặt tiền tệ, đâu đó tạo áp lực tăng lãi suất, nhất là giá USD trên thị trường thế giới đã tăng trong thời gian vừa qua, dự kiến tăng tiếp trong thời gian tới khiến định hướng mục tiêu giảm lãi suất của Việt Nam khó thực hiện hơn nhiều so với các năm trước. Hoạt động này sẽ tác động đến thanh khoản trên thị trường tài chính thế giới và cũng là rủi ro với Việt Nam.

Tiếp theo, tăng trưởng của Trung Quốc năm nay dự báo chậm lại, ở mức 6,4% so với mức 6,8% năm 2017 để tập trung nhiều hơn cho hoạt động cải cách. Tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc cũng sẽ tác động đến sức cầu của nền kinh tế thế giới, qua đó tác động đến xuất khẩu của Việt Nam cũng như đầu tư vào Việt Nam. Cùng với đó, tình hình chính trị khu vực và thế giới còn phức tạp có thể cũng sẽ tác động đến Việt Nam.

Trong nước, ông Lực chỉ ra 3 khó khăn, thách thức lớn. Đầu tiên là áp lực lạm phát năm nay ở mức cao hơn năm 2017 do giá cả thế giới dự kiến tăng nhẹ so với năm ngoái, trong đó có giá dầu; năm nay Việt Nam tiếp tục lộ trình tăng giá một số mặt hàng cơ bản sẽ kéo theo chi phí hoạt động của doanh nghiệp, người dân phần nào tăng lên; và lượng cung tiền lớn có thể gây áp lực khá cao trong thời gian tới. Ông Lực nhận định, nếu không điều hành tốt, phối hợp tốt các chính sách tiền tệ, tài khóa, giá cả thì tỷ lệ lạm phát năm nay có thể trên 4%.

Thách thức nữa là thâm hụt ngân sách, tái cơ cấu thu chi ngân sách còn chậm, chi thường xuyên vẫn ở mức cao và đang có xu hướng tăng lên thay vì giảm. Chi thường xuyên quý I năm 2018 vẫn chiếm 80% tổng chi, so với mức 60% của giai đoạn 2016 - 2017. Trong khi đó, chi cho đầu tư phát triển lại bị giảm.

Thách thức thứ ba là giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng năm 2018 còn chậm.

Lạc quan một cách cẩn trọng

Đánh giá con số tăng trưởng GDP đột biến của quý I/2018, theo TS. Vũ Thành Tự Anh thuộc Đại học Fulbright Việt Nam, quý I tăng trưởng đột biến là nhờ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, mà chủ yếu là Samsung, Formosa và công nghiệp khai khoáng. Hơn nữa, sự đột biến này sở dĩ có được là do nền của quý I/2017 quá thấp (Samsung khủng hoảng với Galaxy Note 7, Formosa chưa đi vào hoạt động, khai khoáng giảm sâu tới 10%). “Điều này cũng ngụ ý rằng năm nay tăng trưởng các quý tới không nhất thiết sẽ theo cùng nhịp độ của quý I, và nếu có lạc quan thì cũng nên hết sức cẩn trọng”, ông Vũ Thành Tự Anh nhận định.

Đặt vấn đề với tăng trưởng của quý I cao như vậy, theo quy luật mọi năm quý sau cao hơn quý trước thì quý II sẽ phải tăng hơn 7%, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, điều này sẽ không phải dễ dàng. Ông Phong phân tích một số khó khăn đến từ việc vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ tăng trên dưới 10% không phải là nhiều lắm; tín dụng chưa tăng nhiều; khả năng xuất khẩu thủy sản còn e ngại... 

Nhận định rõ tình hình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng cho năm nay với mức 6,7% và 6,8%. Ở cả hai kịch bản, tăng trưởng quý sau đều thấp hơn quý trước. Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lê Quang Mạnh, kịch bản này được xây dựng trên tinh thần duy trì tăng trưởng đi liền với ổn định kinh tế vĩ mô, thận trọng trong điều hành.

Tại phiên họp Chính phủ tháng 3 vừa diễn ra ngày 2/4, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, tăng trưởng năm nay phấn đấu đạt ít nhất 6,7% và nhấn mạnh, Chính phủ cố gắng duy trì tăng trưởng cao, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng để người dân sống an toàn, hạnh phúc hơn, doanh nghiệp kinh doanh ổn định và thành công hơn.

Chuyên đề