Tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng dài hạn

(BĐT) - Một trong những thành tựu nổi bật qua nửa kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020 là kinh tế tăng trưởng cao đi liền với vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh và đời sống nhân dân cải thiện, niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước được củng cố.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Hơn nữa, kết quả có được nhờ những yếu tố vững chắc, củng cố nội lực nền kinh tế để tiếp tục đi đường dài.

Xây dựng nền tảng vững chắc để bứt phá

Theo nhiều đánh giá, tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ năm 2016 đến nay đã không còn phụ thuộc nhiều vào tín dụng, đầu tư công và khai khoáng.

Tăng trưởng tín dụng thời gian này đều dưới 19%, lạm phát năm 2017 chỉ 3,53%. 8 tháng năm 2018, lạm phát cơ bản bình quân 1,38% so với bình quân cùng kỳ năm 2017, cho thấy chính sách tiền tệ đang được kiểm soát tốt, tăng trưởng kinh tế đạt được là tăng trưởng thực, không phải do tăng cung tiền.

Về khai khoáng, hai năm 2016, 2017 và 8 tháng đầu năm 2018 đều tăng trưởng âm. Đóng góp cho tăng trưởng trong năm 2016, 2017 và 8 tháng năm 2018 chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; dịch vụ. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 8 tháng năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 8,2% của cùng kỳ năm 2017. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 13,3%, đóng góp 10,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành khai khoáng giảm 0,3%, làm giảm 0,04 điểm phần trăm mức tăng chung.

Về đầu tư công, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh, giai đoạn 2016 - 2020 có thể coi là thời kỳ phải “thắt lưng buộc bụng” sau một thời kỳ dài đầu tư dàn trải. Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2 triệu tỷ đồng không phải là con số nhỏ, thế nhưng phần lớn phải giải quyết, xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản, hoàn ứng của các dự án từ trước đến nay, thậm chí có dự án nợ đọng từ năm 2007. Ngân sách trung ương gần như không còn để bố trí cho dự án khởi công mới, không nhiều dự án lớn được hoàn thành trong giai đoạn này.

Những số liệu, kết quả ấy cho thấy tăng trưởng kinh tế của nửa chặng đường 2016 - 2020 đã dựa trên những nền tảng vững chắc. Đánh giá giữa kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn này, nhiều địa phương cho biết có khả năng hoàn thành kế hoạch đặt ra. Kết quả này càng đáng ghi nhận trong bối cảnh giai đoạn này phải thực hiện “nhiệm vụ kép” như cách nói của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, vừa phải đảm bảo tăng trưởng cao đi liền ổn định vĩ mô, vừa phải khắc phục yếu kém của nền kinh tế tích tụ từ nhiều năm trước.

Cùng với đó, Đảng, Chính phủ trong hơn 2 năm qua đã quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân, cải cách bộ máy hành chính nhà nước. Chính phủ cũng đang chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực, nền tảng, củng cố nội lực để chủ động nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đánh giá, kết quả phát triển kinh tế - xã hội hai năm qua có nhiều điểm đáng ghi nhận. Điều hành chính sách tiền tệ khá tốt. Cải cách thể chế, cải cách môi trường kinh doanh đều có những chuyển biến. Chính phủ quyết tâm rất lớn, chính sách lớn đã thay đổi, một số bộ ngành đã cắt giảm điều kiện kinh doanh. Và hết năm 2018, sẽ có thay đổi rất cơ bản, tiền đề rất tốt cho năm 2019.

Tăng trưởng kinh tế năm 2018 và triển vọng trung, dài hạn của Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế dự báo lạc quan. Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 ở mức 7,1%; Standard Chartered dự báo tăng 7%, lạm phát quanh mốc 4%.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đang ở thời điểm rất ấn tượng sau kết quả tăng trưởng năm 2017. Nền kinh tế tiếp tục cho thấy khả năng chống chịu tốt nhờ hoạt động xuất khẩu tăng mạnh, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng. Đại diện WB dự báo, Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Á trong năm nay với mức tăng trưởng GDP 6,8%. Đặc biệt, song song với tăng trưởng mạnh, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, vị thế đối ngoại được nâng cao là điều mà WB đánh giá rất cao. 

Thời cơ đẩy mạnh cải cách

Theo ông Ousmane Dione, tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng trong năm 2017 và các tháng đầu năm 2018 song hành với lạm phát thấp đang tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục tiến lên. Thời điểm hiện nay là cơ hội tốt để đẩy mạnh cải cách, xử lý một số yếu tố dễ gây tổn thương, củng cố khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những cú sốc có thể đến trong tương lai, loại bỏ một số trở ngại cho tăng trưởng trong trung hạn.

TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) cho rằng, để nền kinh tế tiếp tục đi theo nhịp độ đã đề ra, thì đầu tiên phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, gia tăng hàm lượng công nghệ, giữ nhịp độ tăng trưởng. Thứ hai là tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp chế biến chế tạo, vì đóng góp của khu vực này cho tăng trưởng là thực chất; song hành với chú trọng tăng trưởng du lịch, dịch vụ. Tiếp theo, phải tập trung hơn vào xuất khẩu, tìm kiếm thị trường, đột phá vào những thị trường mới, đặc biệt là tranh thủ tận dụng cơ hội có được trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Đặc biệt, TS. Lưu Bích Hồ lưu ý, Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cắt giảm điều kiện kinh doanh bởi những chỉ đạo của Chính phủ vào cuộc sống vẫn còn chậm do ách tắc ở bộ máy thực thi công vụ. “Điều kiện kinh doanh được cắt giảm như mục tiêu của Chính phủ là điều doanh nghiệp đang rất mong đợi, chỉ cần thực hiện được tốt sẽ tạo ra động lực mới ngay”, TS. Hồ chia sẻ.

GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài thì cho rằng, các tháng cuối năm nay cũng như hai năm còn lại của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 có đạt được mục tiêu đề ra hay không phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm cải cách. “Cải cách, đổi mới, sáng tạo là vô tận, là tiềm năng rất lớn cho chúng ta… Tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng hoàn toàn phụ thuộc vào cải cách”, ông Nguyễn Mại nhận định.

Chuyên đề