Tạo cơ chế gắn kết Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

(BĐT) - Cơ chế, chính sách nào để phát triển kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam khi những liên kết vùng còn đang lỏng lẻo và thậm chí các địa phương vẫn mạnh ai nấy lo? Đây là vấn đề được đưa ra tại Hội thảo về cơ chế, chính sách phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Liên kết lỏng lẻo

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh, thành phố: TP.HCM, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, đang đóng góp hơn 42% GDP và chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đóng góp hơn 60% ngân sách quốc gia. 

Theo đánh giá của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, hơn 16 năm qua, cơ cấu kinh tế các tỉnh, thành trong Vùng đã có bước chuyển dịch nhanh và đúng hướng, hiệu quả sản xuất được nâng cao về mặt chất lượng, đã tổ chức huy động được các nguồn lực đầu tư. Môi trường đầu tư được cải thiện đáng kể, thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, chính lãnh đạo các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải thẳng thắn nhìn nhận, còn rất nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện liên kết phát triển vùng. Chưa xác định được cơ chế, giải pháp phù hợp chung giữa TP.HCM và các tỉnh còn lại để phối hợp giải quyết những lĩnh vực chủ yếu trong liên kết vùng. Đồng thời, thiếu định hướng và chiến lược chung, từ đó thiếu gắn kết, phân công giữa TP.HCM và các tỉnh trong Vùng để phát triển những ngành có lợi thế của từng địa phương, chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao...

Mặt khác, vẫn chưa giải quyết được 4 mối liên kết vùng căn bản là phân bố lực lượng sản xuất chung toàn vùng thông qua quy hoạch; xây dựng kết cấu hạ tầng chung, nhất là giao thông nội vùng; đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chung, hình thành thị trường lao động chung và cuối cùng là bảo vệ môi trường chung.

Từ góc độ của một chuyên gia kinh tế, ông Trần Đình Thiên cho rằng, tiềm lực của Vùng cũng như của mỗi tỉnh trong Vùng là rất lớn. Tuy nhiên, cơ chế để phát triển kinh tế cho Vùng, cơ cấu kinh tế cũng giống hệt các vùng khác. Không có điểm nhấn đột phá nên vẫn còn tình trạng lỏng lẻo trong liên kết, mạnh địa phương nào địa phương ấy lo. 

Trao cơ chế đột phá cho vùng

Bắt buộc phải có cơ chế đột phá cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với những phân cấp, phân quyền cụ thể hơn, mạnh mẽ hơn cho các địa phương là một trong những kiến nghị được đưa ra tại Hội thảo. “Bản thân Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn theo kiểu luân phiên thì không thể điều hành và tổ chức hiệu quả được. Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại của Vùng, của những liên kết lỏng lẻo hiện nay thì chúng ta mới có thể cùng nhau hành động để tăng trưởng bền vững, phát huy hết tiềm lực sẵn có. Tăng tính tự chủ cho những địa phương đóng góp lớn vào ngân sách để đầu tư cải thiện, nâng cấp hạ tầng cũng cần được lưu ý hơn”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Còn theo đại diện UBND tỉnh Bình Phước, cần có cơ chế, chính sách đột phá để lợi ích của các địa phương gắn liền với lợi ích Vùng; hiệu quả kinh tế của mỗi địa phương phải gắn chặt với hiệu quả kinh tế của Vùng. Đồng bộ trong quy hoạch, chính sách đầu tư có trọng tâm để tránh những trùng lắp, chồng chéo, thậm chí gây mâu thuẫn, xung đột thị trường.

Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải cho rằng, cần có một Phó thủ tướng Chính phủ trực tiếp điều hành hoạt động của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời, sớm thành lập hội đồng tư vấn tập trung các chuyên gia tư vấn độc lập nhằm xây dựng những quyết sách hành động cho Vùng. “Chúng ta cần quan tâm đúng mức hơn đến vai trò của Vùng bằng những hành động cụ thể. Không thể để cho vùng kinh tế có sức hút nhà đầu tư nước ngoài số 1 Việt Nam loay hoay với những liên kết lỏng lẻo như vừa qua”, ông Hải nhấn mạnh.         

Chuyên đề