Tăng thời gian chất vấn tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV

(BĐT) -Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trình bày tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều ngày 17/4 với dự kiến nội dung kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV sẽ kéo dài 21,5 ngày từ 22/5 đến 20/6.
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV sẽ kéo dài 21,5 ngày từ 22/5 đến 20/6. Ảnh minh họa. Nguồn: Quốc hội
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV sẽ kéo dài 21,5 ngày từ 22/5 đến 20/6. Ảnh minh họa. Nguồn: Quốc hội

Theo đó, tại kỳ họp này sẽ rút 4 dự án luật ra khỏi dự kiến chương trình gồm: Luật về hội; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động; Luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện để tiếp tục hoàn thiện.

Bên cạnh đó, Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến về 4 dự án luật; thảo luận các vấn đề kinh tế -xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát. “Dự kiến chương trình chi tiết được bố trí như thông lệ; đồng thời, tiếp tục phát huy những cải tiến đã được áp dụng hiệu quả tại các kỳ họp trước như ghép việc trình bày các tờ trình, báo cáo, thông qua luật, nghị quyết cùng với thảo luận tại hội trường; bố trí 2 dự án/buổi thảo luận ở tổ và 1 dự án/buổi thảo luận ở hội trường” - Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.

Ngoài ra, tại kỳ họp này Quốc hội cũng dành 3 ngày (31/5 – 1/6 - 2/6) để thảo luận tại hội trường về các nội dung: đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 và dự án Luật Quy hoạch. Theo đó, lần lượt thành viên Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sẽ phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Nâng thời gian chất vấn 3 ngày nhưng không mở rộng thêm nội dung.

Góp ý vào nội dung chương trình kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ trình rà soát các chương trình nêu tại kỳ họp xem đã chuẩn bị đến đâu, như Nghị quyết về xử lý nợ xấu, Nghị quyết bảo hiểm thất nghiệp…

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý, Chính phủ phải trình sớm các luật để UBTVQH xem xét kỹ trước khi trình Quốc hội. “Tại kỳ họp lần thứ 3 này, khối lượng luật phải cho ý kiến rất lớn, chưa kể dự án hết sức lớn là Bộ luật Hình sự, đề nghị các Ủy ban cùng bắt tay vào cuộc ngay, vì thời gian còn rất ngắn; thời gian họp thông qua luật đề nghị dài hơn vì riêng công tác rà soát kỹ thuật cũng đã mất khá lâu” – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu.

Bày tỏ quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho biết, khi xin ý kiến các Bộ ngành thì thời gian chờ rất lâu, khi có kết quả trả lời mỗi Bộ trả lời một khác. Bà Nga cũng đề nghị tăng thêm thời gian thảo luận Bộ luật Hình sự (khoảng 3 ngày) để Bộ Công an-Viện KSND tối cao và Ủy ban Tư pháp có thời gian thảo luận thêm.

Trong khi đó, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải lại đề nghị: Việc báo cáo tình hình giải quyết kiến nghị cử tri và đơn thư tố cáo, theo Luật, sẽ được báo cáo vào kỳ họp cuối của năm, nhưng hiện đơn thư gửi đến rất lớn, hiện khoảng 20.000 đơn, 70% liên quan đến đền bù đất đai. Qua giám sát, hiện việc thực hiện ở các địa phương còn chưa tốt, gây nên tình trạng mất an ninh trật tự như thời gian qua. Do đó bà Hải cho rằng “việc trình bày đơn thư trước Quốc hội sẽ rất quan trọng, giải quyết phần nào những bức xúc của cử tri, kiến nghị tại kỳ họp tháng 10/2017 sẽ trình bày tại hội trường”.

Kết luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng ý rút 4 dự án luật ra khỏi chương trình. đồng thời nâng thời gian chất vấn lên 3 ngày.

Chuyên đề