Tăng liên kết vùng miền Trung, Tây Nguyên

(BĐT) - Qua nửa chặng đường thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên tuy đã tăng trưởng khá, nhưng còn rất nhiều dư địa, tiềm năng của mỗi vùng chưa thể phát huy, đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng chung. 
Kết nối đông tây yếu kém, di chuyển giữa các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên mất rất nhiều thời gian nên không thuận lợi để phát triển. Ảnh: Lê Tiên
Kết nối đông tây yếu kém, di chuyển giữa các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên mất rất nhiều thời gian nên không thuận lợi để phát triển. Ảnh: Lê Tiên

Nguyên nhân được các địa phương đưa ra là do yếu kém về hạ tầng kết nối và tính liên kết vùng còn chưa chặt chẽ.

Phân lại vùng kinh tế để tăng tính kết nối

Hội nghị Đánh giá giữa kỳ Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và xây dựng Kế hoạch năm 2019 vùng Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên được tổ chức tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai ngày 27/8/2018. Với vị trí địa lý đặc biệt, trải dài hàng nghìn km, sự kết nối giữa các địa phương trong vùng là rất quan trọng để phát triển. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), vai trò đầu tàu hỗ trợ, là động lực, tạo sức lan tỏa, liên kết, thúc đẩy các tỉnh trong vùng của các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn yếu. Chưa phát huy tốt vai trò của các cảng biển, đầu mối trung chuyển, quá cảnh, giao lưu hàng hóa của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Chưa thực sự có sự phối hợp giữa các ngành và các địa phương trong vùng, phối hợp hoạt động liên kết, hợp tác để khai thác tiềm năng, thế mạnh của cả vùng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu cho rằng, cần phải tăng tính liên kết vùng, xác lập vùng ưu tiên, tránh cạnh tranh lẫn nhau dẫn đến đầu tư dàn trải mà không hiệu quả. Ông Hậu lấy ví dụ về năng lượng điện gió, tỉnh nào trong vùng có lợi thế nhất thì ưu tiên phát triển, chứ không nên tỉnh nào cũng làm.

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành chia sẻ, trước đây phân vùng chủ yếu theo sự tương đồng về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, các tỉnh Tây Nguyên phân thành vùng riêng. Tây Nguyên đất rộng, người ít, Duyên hải miền Trung đất hẹp, người đông, kết nối hai vùng lại yếu kém, đường hàng không nhỏ, đường bộ chỉ có Quốc lộ 14 xuyên suốt, nhưng hệ thống đường xương cá, kết nối đông tây yếu kém, di chuyển giữa các tỉnh của hai vùng mất rất nhiều thời gian, không thuận lợi để phát triển. Trong khi Tây Nguyên là vùng đặc biệt về an ninh quốc phòng nên rất khó khăn trong thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài.

Ông Thành đề xuất khi triển khai Luật Quy hoạch, Bộ KH&ĐT nên nghiên cứu chia lại vùng để có quy hoạch phát triển kết nối cần thiết.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lê Quang Mạnh cho biết, triển khai Luật Quy hoạch, Bộ KH&ĐT đang được giao đánh giá lại phân vùng kinh tế - xã hội. Cách phân vùng như hiện nay đặt nặng tính đồng nhất về điều kiện tự nhiên, chưa chú trọng đến tính kết nối về kinh tế, thị trường, không có mô hình để liên kết tạo ra tăng trưởng cho các vùng. Nhiều phương án phân vùng đang được xem xét, trong đó có phương án Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (trừ Lâm Đồng) sẽ thành một vùng, vì các tỉnh Tây Nguyên thực chất kết nối kinh tế chủ yếu với các tỉnh Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, chứ kết nối nội vùng rất hạn chế. Việc phân vùng lại sẽ hướng tới các địa phương trong một vùng phải có sự tương trợ, kết nối, hỗ trợ phát triển.

Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT nghiên cứu phân lại vùng quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 để tạo không gian phát triển, động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy cải cách kinh tế, hội nhập quốc tế. Bộ KH&ĐT đang xây dựng, đưa ra nhiều phương án phân vùng và sẽ sớm hoàn thiện để báo cáo Chính phủ.

Bài toán nguồn lực đầu tư cho giao thông liên vùng

Ngoài phân vùng quy hoạch chưa hợp lý, một trong những nguyên nhân dẫn đến liên kết vùng hạn chế là hạ tầng giao thông liên vùng còn yếu kém. Lãnh đạo nhiều tỉnh trong hai vùng rất mong muốn Trung ương sớm tính toán triển khai các tuyến đường liên vùng như Quốc lộ 27, Quốc lộ 19, các tuyến đường kết nối với các khu vực tam giác phát triển, các tuyến quốc lộ kết nối đông tây để tạo ra sự kết nối vùng… Nếu các dự án hoàn thành sẽ có thể phát huy tác động lan tỏa tốt. Ngoài ra, cần đầu tư hạ tầng kết nối giữa các trung tâm lớn, kéo gần các trung tâm lớn, các tỉnh miền Trung lại.

Thứ trưởng Lê Quang Mạnh chia sẻ, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông đường bộ không có nhiều, nhưng cũng đã cố gắng ưu tiên cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Tuy nhiên, do phải thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, hoàn ứng dự án của tất cả giai đoạn trước, thậm chí có dự án nợ từ năm 2007, nên ngân sách trung ương gần như không còn cho dự án mới. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, ban đầu Bộ KH&ĐT dự kiến dành 10% để ưu tiên cho các dự án có tính kết nối vùng, nhưng vì nguồn lực hạn chế nên cuối cùng cũng không bố trí được.

Trao đổi về cách giải quyết vấn đề nguồn lực, một số ý kiến cho rằng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hay đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất đều đang gặp vướng mắc. Trong bối cảnh này, nguồn lực cho đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng vẫn là bài toán lớn, đòi hỏi phải có giải pháp đột phá trong thời gian tới để thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Trước mắt, các địa phương cho rằng, cần tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh giải ngân nguồn lực hiện có trong kế hoạch trung hạn, trọng tâm là hoàn thiện sửa đổi, ban hành Luật Đầu tư công (sửa đổi) sớm nhất.

Chuyên đề