Tái cơ cấu nền kinh tế cần gắn với cách mạng 4.0

(BĐT) - Việt Nam có nhiều tiềm năng và cơ hội lớn để hưởng lợi tối đa từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0). Tuy nhiên, để tận dụng được thời cơ cho phát triển bền vững, Việt Nam cần có những định hướng phù hợp, khả thi về tái cơ cấu nền kinh tế gắn với cuộc cách mạng này.
Cần ưu tiên ưu tiên thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường. Ảnh: Lê Tiên
Cần ưu tiên ưu tiên thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường. Ảnh: Lê Tiên

Theo TS. Lương Văn Khôi, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, trong bối cảnh CMCN 4.0, Việt Nam cần định hướng tái cơ cấu trên một số lĩnh vực chủ đạo như: chuyển dịch cơ cấu lao động; thu hút đầu tư FDI; sự sẵn sàng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất ngành, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế…

Đối với cơ cấu lao động, một số ngành nghề và lĩnh vực của Việt Nam dự báo có nguy cơ bị robot thay thế là lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; vận tải kho bãi; giáo dục đào tạo và y tế…

Theo dự báo, đến năm 2025, có khoảng 42,8 triệu người lao động thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng mạnh bởi CMCN 4.0 và sẽ có khoảng 31 triệu lao động cần được đào tạo mới hoặc đào tạo lại để đáp ứng được yêu cầu về tay nghề/kỹ năng.

Trong lĩnh vực công thương, TS. Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công thương, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam chưa đạt được nhiều mục tiêu khi thu hút FDI, đơn cử như: tỷ lệ nội địa hóa, việc nâng cao trình độ quản lý, tay nghề cho đội ngũ lao động; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như không cải thiện được nhiều năng lực cạnh tranh nội tại của các ngành sản xuất công nghiệp trong nước… Bên cạnh đó, với xu hướng siêu tự động hóa và sự tham gia của các robot thông minh, thế hệ mới, có khả năng tùy chỉnh cao, CMCN 4.0 sẽ có những tác động lớn trong việc thay đổi mô hình tổ chức sản xuất của các ngành công nghiệp chính của Việt Nam trong thời gian tới.

Theo dự báo, đến năm 2025, có khoảng 42,8 triệu người lao động thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng mạnh bởi CMCN 4.0 và sẽ có khoảng 31 triệu lao động cần được đào tạo mới hoặc đào tạo lại để đáp ứng được yêu cầu về tay nghề/kỹ năng.
Điều này dẫn tới xu hướng suy giảm đáng kể năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN nhỏ và vừa với hạn chế về năng lực đầu tư, đổi mới hoạt động sản xuất và khả năng thích ứng nhanh chóng với những thay đổi của thị trường.

TS. Lương Văn Khôi cho rằng, trong bối cảnh CMCN 4.0, cần phải có chiến lược thu hút đầu tư FDI mới, phải khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua và tận dụng được những tiến bộ của cuộc CMCN 4.0.

Theo đó, ưu tiên thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất thiết bị y tế, dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác. Ưu tiên thu hút vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và hiệu quả; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại; đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng CMCN 4.0.

Ông Lương Văn Khôi nhấn mạnh, đổi mới là chìa khóa để nâng cao năng suất và cải thiện sức cạnh tranh của DN. Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra sôi động, đổi mới sáng tạo là yếu tố cốt lõi để DN không bị tụt hậu và ra khỏi thị trường. DN sẽ tiếp cận được những công nghệ hiện đại và khối lượng dữ liệu khổng lồ về thị trường, khách hàng để xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả. Đồng thời, tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao chất lượng khâu tiêu thị sản phẩm và chính sách hậu mãi.

Trong lĩnh vực sản xuất, cần xây dựng và triển khai đánh giá toàn diện về mức độ sẵn sàng tham gia vào CMCN 4.0 đối với từng lĩnh vực cụ thể của toàn ngành công thương. Từ đó, xem xét và lựa chọn những ngành/lĩnh vực, các khâu của quá trình sản xuất để đầu tư, áp dụng trí tuệ nhân tạo nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh…

Còn theo, TS. Lê Huy Khôi, chính sách của Việt Nam cần theo hướng tăng cường đầu tư cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ cho sản xuất công nghiệp và phát triển thương mại. Ngoài ra, Việt Nam cần hoàn thiện hạ tầng pháp lý, tạo môi trường phát triển và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật cho thanh toán điện tử trong giao dịch thương mại và hỗ trợ phát triển các hình thức kinh doanh mới, phát triển lĩnh vực dịch vụ.

Đáng chú ý, ngoài các chính sách hỗ trợ cho việc tăng cường khả năng sẵn sàng tham gia CMCN 4.0, cũng cần phải có những chính sách nhằm khắc phục mặt trái của CMCN 4.0 như: ô nhiễm môi trường, thất nghiệp, phân hóa xã hội, an ninh thông tin và các tác động không mong muốn khác.

Chuyên đề