Quyết kìm nợ công, nói không với nới trần

(BĐT) - Một trong hai vấn đề nóng nhất tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ngày 16/11 là con số nợ công và hiệu quả sử dụng nợ công. 
Nợ đọng xây dựng cơ bản đang được tập trung xử lý dứt điểm. Ảnh: Lê Tiên
Nợ đọng xây dựng cơ bản đang được tập trung xử lý dứt điểm. Ảnh: Lê Tiên

Nợ công sẽ là hơn 3 triệu tỷ đồng tính đến cuối năm 2017, trung bình mỗi người dân Việt Nam đang gánh 30 triệu đồng nợ công. Dự báo đến năm 2020, nợ công sẽ là 4,2 triệu tỷ đồng.

Chính phủ nói không với nới trần nợ công

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là trưởng ngành đầu tiên trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XIV. Nợ công tăng nhanh, ngân sách phải vay nợ mới để trả nợ cũ khiến nợ chồng lên nợ, chi trả nợ vượt tỷ lệ tiêu chuẩn của quốc tế,... là vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính đưa ra giải pháp thực chất, đột phá.

Trả lời cho bài toán này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhìn nhận, tình hình nợ công tăng cao, áp lực trả nợ lớn. Giải pháp quan trọng là cần giảm bội chi, nhất là giảm chi thường xuyên. Thực tế, tỷ lệ chi thường xuyên năm nay đã giảm, tập trung vốn cho các dự án quan trọng. Theo Bộ trưởng, Quốc hội đã thông qua kế hoạch tài chính 5 năm, Bộ Tài chính sẽ kiên quyết bám sát để điều hành, đặc biệt là các chỉ tiêu liên quan đến nợ công.

Làm rõ thêm về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, năm 2015 nợ công đã sát trần, dư nợ Chính phủ vượt trần cho phép, tỷ lệ chi trả nợ vay là 27% trên tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm, cao hơn mức tiêu chuẩn cho phép của quốc tế là 25%. Vì thế, Chính phủ xác định giải quyết vấn đề này là nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn (2016 - 2020). “Trần nợ công chỉ là một yếu tố, quan trọng là khả năng trả nợ, chi trả nợ đã vượt mức 25%, Chính phủ nói không với việc nới trần nợ công”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đã có các giải pháp cơ cấu ngân sách nhà nước, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Phó Thủ tướng nêu rõ giải pháp chỉ chi tiêu trong khả năng của nền kinh tế, chỉ vay trong khả năng trả nợ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách, tăng trách nhiệm người đứng đầu.

Đồng thời, cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng nợ trong nước, giảm nợ nước ngoài, chuyển nợ ngắn hạn thành nợ dài hạn, giảm nợ Chính phủ bảo lãnh. “Năm 2016, duy nhất chỉ duyệt một khoản bảo lãnh Chính phủ cho 1 dự án. 10 tháng năm 2017, không duyệt khoản bảo lãnh Chính phủ nào”, Phó Thủ tướng thông tin tới Quốc hội. 

Con số nợ công không quan trọng bằng hiệu quả đầu tư

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) bình luận con số nợ công chỉ là vỏ, linh hồn là hiệu quả. Nợ công không xấu nhưng hiệu quả đầu tư công mà kém thì hậu quả là vô cùng xấu. Nêu ví dụ điển hình 12 dự án đắp chiếu thất thoát nhiều nghìn tỷ đồng, ông Tuấn đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính phải nêu giải pháp để sử dụng hiệu quả nợ công.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ đang triển khai các nhiệm vụ nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, chuyển từ cấp phát sang cho vay lại để nâng cao trách nhiệm sử dụng vốn vay,…

“Chia lửa” với Bộ trưởng Bộ Tài chính về vấn đề hiệu quả đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước đây chưa có Luật Đầu tư công, việc quyết định đầu tư hết sức tùy tiện, vượt so với khả năng cân đối của ngân sách, cả ngân sách trung ương và địa phương, dẫn đến dừng, giãn, hoãn rất lớn sau Chỉ thị 1792/CT-TTg. Giai đoạn 2016 - 2020, tình trạng này đã được khắc phục, số dự án giảm rất mạnh. Nợ đọng xây dựng cơ bản đang được tập trung xử lý dứt điểm.

Trong số những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả đầu tư công chưa cao, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra thực tế, nhiều dự án phê duyệt tổng mức đầu tư quá cao, không sát tình hình thực tế và chưa có biện pháp kiểm soát. Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương xây dựng định mức để có cơ sở xây dựng tổng mức đầu tư hợp lý. Ngoài ra, thời gian triển khai đầu tư lâu do nhiều nguyên nhân khiến vốn đầu tư bị vượt lên, phải điều chỉnh, khi vượt lên lại không có nguồn để bố trí, lại phải dừng, giãn, hoãn.

Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ Kế hoạch tái cơ cấu đầu tư công. Bộ KH&ĐT đã rà soát tất cả quy định pháp luật về đầu tư công để sửa đổi theo hướng vừa quản lý chặt chẽ, hiệu quả đầu tư công, vừa tạo thuận lợi cho thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, Bộ KH&ĐT ngoài rà soát quy định pháp luật về đầu tư công, cần có báo cáo đánh giá về tình hình thực thi Luật. Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Đầu tư công rất tiến bộ, nhưng thực thi Luật Đầu tư công có vấn đề, chứ không phải mọi hạn chế của đầu tư công là do bất cập trong Luật.

Chuyên đề