Quy định hiện hành về thi công gần đường dây điện

(BĐT) - Vào ngày 26/10/2018 vừa qua, tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đã xảy ra tai nạn nghiêm trọng làm 4 người bị điện giật gây tử vong khi thi công dựng cột viễn thông. Nguyên nhân ban đầu được xác định do đơn vị thi công không thông báo cho đơn vị điện lực để phối hợp thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn nên đã xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Hiện trường vụ 4 người bị điện giật gây tử vong khi thi công dựng cột viễn thông tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Internet
Hiện trường vụ 4 người bị điện giật gây tử vong khi thi công dựng cột viễn thông tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Internet

Ngay sau khi xảy ra tai nạn, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã phối hợp cùng lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tới hiện trường để tìm hiểu và xử lý. Nguyên nhân vụ tai nạn được xác định do tổ thi công của chi nhánh Viettel Hà Tĩnh thực hiện thi công dựng cột kéo cáp viễn thông đã không phối hợp và thông báo với ngành điện lực để thực hiện các biện pháp an toàn lao động, tự ý thi công dẫn đến vi phạm khoảng cách an toàn đường dây trung áp 35 kV bị điện giật gây tai nạn.

Để ngăn ngừa việc tái diễn xảy ra tai nạn điện do thiếu sự phối hợp đầy đủ giữa đơn vị có công trình thi công gần đường dây điện và đơn vị điện lực, EVN đã thông tin cụ thể quy định hiện hành của Nhà nước về việc phối hợp giữa đơn vị có công trình thi công gần đường dây điện.

Theo đó, tại Luật Điện lực, Điều 51, Khoản 8 quy định: “Khi tiến hành các công việc trên mặt đất, dưới lòng đất ở gần hoặc trong hành lang bảo vệ đường dây dẫn điện trên không có khả năng ảnh hưởng đến sự vận hành bình thường của đường dây hoặc có nguy cơ gây sự cố, tai nạn về điện thì đơn vị tiến hành những công việc đó phải có sự thỏa thuận với đơn vị quản lý công trình lưới điện về các biện pháp bảo đảm an toàn cần thiết”.

Tại Điều 4 của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP về Quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về An toàn điện cũng nêu rõ: “Các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó bao gồm các hành vi: trèo lên cột điện, vào trạm điện hoặc khu vực bảo vệ an toàn công trình điện khi không có nhiệm vụ; sử dụng công trình lưới điện cao áp vào những mục đích khác khi chưa được sự thỏa thuận với đơn vị quản lý công trình lưới điện cao áp”.

Ngoài các quy định nêu trên trong Luật Điện lực và Nghị định số 14/2014/NĐ-CP, tại Điều 34 của Nghị định 59/2015/NĐ-CP về Quản lý dự án đầu tư xây dựng cũng nêu rõ: “Nhà thầu thi công xây dựng phải lập các biện pháp an toàn cho người lao động, thiết bị, phương tiện thi công và công trình trước khi thi công xây dựng. Trường hợp các biện pháp an toàn liên quan đến nhiều bên thì phải được các bên thỏa thuận”.

Chuyên đề