Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp thứ 6

Dự kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp để thuận tiện cho việc trình Quốc hội các nội dung thuộc thẩm quyền. Đồng thời, xem xét, quyết định nhân sự thành viên Chính phủ trước khi lấy phiếu tín nhiệm. Thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan trước ngày 13/11...

Công tác chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 28 diễn ra vào chiều 16/10.

Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã được gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Đến nay, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được ý kiến đóng góp của các đoàn đại biểu Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội và đề nghị của cơ quan, tổ chức hữu quan.

Các ý kiến cơ bản nhất trí với dự kiến chương trình, đồng thời đề nghị một số vấn đề cụ thể. Bổ sung các nội dung trình Quốc hội: Gồm bầu Chủ tịch nước; xem xét, phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan (nếu cần thiết sẽ bố trí Quốc hội họp riêng); xem xét, thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam…

Về dự kiến chương trình chi tiết kỳ họp, trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến đóng góp, chương trình công tác của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến điều chỉnh thứ tự, thời điểm xem xét một số nội dung cho phù hợp, trong đó Quốc hội bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp để thuận tiện cho việc trình Quốc hội các nội dung thuộc thẩm quyền. Xem xét, quyết định nhân sự thành viên Chính phủ trước khi lấy phiếu tín nhiệm. Thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan trước ngày 13/11...

Dự kiến, tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 24 ngày, khai mạc vào ngày 22/10 và bế mạc vào ngày 21/11.

Về chuẩn bị tài liệu, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, nhìn chung, các cơ quan hữu quan đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ chuẩn bị các nội dung bảo đảm yêu cầu, điều kiện đặt ra để kịp trình Quốc hội tại kỳ họp.

Phần lớn các nội dung trình Quốc hội đều đã được UBTVQH cho ý kiến, nhưng đến nay vẫn còn một số tài liệu chưa được gửi đến đại biểu Quốc hội. Riêng các nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, công tác nhân sự... được cho ý kiến tại phiên họp này, sau đó sẽ tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện để gửi đến đại biểu Quốc hội.

Văn phòng Quốc hội đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành công tác chuẩn bị phục vụ kỳ họp. Đến thời điểm hiện nay, công tác cung cấp thông tin, tài liệu, thông tin tuyên truyền, tiếp dân, an ninh, an toàn kỳ họp và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, công tác lễ tân, hậu cần... đã được triển khai thực hiện tương đối chu đáo, chặt chẽ và cơ bản hoàn thành.

Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan rà soát, hoàn thiện một số công việc còn lại, bảo đảm phục vụ tốt cho kỳ họp.

Tại phiên họp, các thành viên UBTVQH tiếp tục đóng góp các ý kiến liên quan đến việc sắp xếp các nội dung trong chương trình kỳ họp; công tác chuẩn bị tài liệu cho kỳ họp; các nội dung chuẩn bị liên quan đến công tác nhân sự; về thời gian, hình thức thực hiện các báo cáo và tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; các nội dung được phát thanh, truyền hình trực tiếp; công tác an ninh, hậu cần;...

Chuyên đề