Quản lý khai thác cát trên địa bàn Hà Nội: Không hiệu quả nếu thiếu quyết liệt

Tài nguyên bị thất thoát, môi trường các dòng sông bị hủy hoại, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị sạt lở. Đó là những hậu quả do hoạt động khai thác cát trái phép gây ra. Nếu không có sự quyết liệt của các cấp, ngành, việc kiểm tra, xử lý vi phạm khó đạt hiệu quả.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phức tạp địa bàn giáp ranh

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 15 tuyến sông, trong đó, có 7 tuyến sông có hoạt động khai thác cát, nạo vét cát lòng sông. Do nhu cầu và lợi nhuận lớn nên tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông diễn biến rất phức tạp.

Theo người dân xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, cuối năm 2016 đầu năm 2017, lợi dụng việc Công ty cổ phần Kiến trúc và xây dựng TT được giao nạo vét luồng thủy sông Hồng có tận thu cát, nhiều tàu của tư nhân đã trà trộn khai thác cát trái phép, dẫn đến mất an ninh trật tự, gây bức xúc trong dư luận. Chỉ đến khi thành phố yêu cầu kiểm tra, lực lượng chức năng mới bắt giữ tàu mang số hiệu HN-0279 đang hút cát trái phép.

Đặc biệt, đối với những địa bàn giáp ranh, việc quản lý và kiểm soát việc khai thác cát rất phức tạp. Ông Lê Anh Chiến, Phó Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) huyện Phúc Thọ cho biết, thời gian qua, Công an huyện phối hợp với lực lượng Cảnh sát đường thủy đã tăng cường tuần tra, yêu cầu các tổ chức, cá nhân có tàu cuốc neo đậu tại vị trí mỏ cát trên địa bàn các xã Sen Chiểu, Phương Độ, Vân Nam, Vân Hà di dời, nên việc khai thác cát trái phép đã giảm hẳn.

"Tuy nhiên, huyện Phúc Thọ là địa bàn giáp ranh với huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc) nên khi lực lượng chức năng làm mạnh, các đối tượng di chuyển sang địa bàn khác. Lợi dụng đêm tối, các đối tượng quay lại khai thác trong thời gian ngắn, vì lực lượng mỏng, nên không thể kiểm soát” - ông Chiến nói.

Tổng kiểm tra khai thác cát trên sông

Trước những khó khăn, bất cập trên, Công an thành phố (CATP) Hà Nội đã có công văn đề nghị Công an các tỉnh lân cận thiết lập "đường dây nóng”, công khai tại địa bàn giáp ranh để người dân kịp thời thông báo về các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật. Cuối năm 2016, CATP đã ký quy chế phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự trên lĩnh vực đường thủy nội địa với công an 8 tỉnh có địa bàn giáp ranh, gồm Bắc Giang, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Theo đó, một trong các nội dung phối hợp là xử lý tiêu cực trong việc cấp phép và khai thác cát, sỏi cũng như tài nguyên khoáng sản.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về khai thác cát, sỏi mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Hà Nội là địa phương đầu tiên bắt giam và đưa ra truy tố trước pháp luật đối tượng khai thác cát trái phép trên sông. Cùng với đó, Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch sử dụng cát, sỏi, bãi trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và tới đây sẽ tổ chức đấu thầu khai thác theo quy hoạch để tăng nguồn thu cho thành phố, qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động, đồng thời quản lý tốt hơn lĩnh vực này.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký Công văn số 1205/UBND-ĐT yêu cầu CATP, các sở: Giao thông - Vận tải, TN-MT, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác cát trên sông. Thành phố giao Sở Giao thông - Vận tải chủ trì cùng các đơn vị kiểm tra, rà soát hoạt động của các đơn vị đang thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm; kiểm tra, xác định các căn cứ, cơ sở pháp lý, vị trí, phạm vi, mức độ nạo vét, khai thác cát theo đúng dự án được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt. Trường hợp phát hiện nạo vét luồng không đúng quy định, khai thác cát trái phép thì CATP xử lý nghiêm.

 Theo thống kê của Bộ TN-MT, trong giai đoạn từ năm 2013-2016, 22/63 tỉnh, thành phố đã phát hiện và xử lý hơn 2.700 trường hợp vi phạm về khai thác cát, xử phạt hơn 38 tỷ đồng, nhưng chỉ có 7 vụ vi phạm chuyển xử lý hình sự. Đáng nói, con số này chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”, nếu không quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên này sẽ sớm cạn kiệt, gây ra hậu quả nghiêm trọng như thay đổi dòng chảy, sạt lở bờ sông...

Chuyên đề