Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự Hội nghị nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Sáng 19/9, tại Hà Nội, Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức Hội nghị đại biểu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ V (giai đoạn 2012-2017).
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng Ba cho các nông dân giỏi. Ảnh: VGP
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng Ba cho các nông dân giỏi. Ảnh: VGP

Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và 300 đại biểu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trong cả nước.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhiệt liệt chào mừng, chúc sức khỏe các đại biểu tham dự hội nghị, nhất là 300 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu, xuất sắc đại diện cho khoảng 60 triệu nông dân Việt Nam về dự hội nghị.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động từ năm 1989. Đến nay đã phát triển thành phong trào quần chúng sâu rộng trong cả nước, thu hút đông đảo nông dân tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở nông thôn.

Trong 5 năm qua, dưới sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đạt được nhiều kết quả, có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu; tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; mạnh dạn đầu tư, áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra giá trị hàng hóa, lợi nhuận cao.

“Đây một phong trào lớn của Hội Nông dân Việt Nam. Các cấp Hội đã có nhiều biện pháp chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân thực hiện chủ trương lớn trong nông nghiệp như: Dồn điền, đổi thửa, liên kết hợp tác giữa nông dân với nông dân để xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hợp tác xây dựng cánh đồng lớn tạo vùng sản xuất tập trung, nông dân với doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, dạy nghề, xây dựng các mô hình trình diễn; tín chấp cho nông dân vay vốn, mua vật tư, máy móc nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể; phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở nông thôn, do đó đã thu hút được đông đảo các hộ nông dân tham gia phong trào và ngày càng có nhiều nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.

Bình quân hằng năm đã có trên 3,5 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; đã có nhiều mô hình sản xuất với quy mô lớn cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động; đã tạo việc làm tại chỗ cho hơn 11 triệu lao động, trong đó có trên 3,5 triệu lao động có việc làm thường xuyên, hơn 7 triệu lao động có việc làm theo mùa vụ, giúp hơn 300.000 hộ nông dân thoát nghèo...

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các nông dân tiêu biểu trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Ảnh: VGP

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, 300 hội viên nông dân được tôn vinh và khen thưởng ngày hôm nay là những nông dân tiêu biểu cho tinh thần lao động cần cù, năng động, sáng tạo, có ý chí, hoài bão, khát vọng làm giàu, sáng tạo cống hiến nhiều hơn cho xã hội và ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, không cam chịu đói nghèo, làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình, cho xã hội và chia sẻ, giúp đỡ mọi người, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn để cùng vươn lên thoát nghèo và trở thành khá giả, giàu có.

Đây là những đại biểu tiêu biểu của lớp người nông dân mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế; thực sự là những bông hoa đẹp tô thắm thêm truyền thống lao động cần cù, sáng tạo của người Việt Nam nói chung và nông dân Việt Nam nói riêng.

Trong những năm qua, mặc dù phải thường xuyên chống chọi với thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, môi trường và chịu ảnh hưởng của khủng suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng lĩnh vực nông nghiệp vẫn giữ vững được sự ổn định và phát triển, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống của nông dân được nâng cao, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Về nhiệm vụ đặt ra cho giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ và giải pháp được Trung ương Hội Nông dân đề ra, đồng thời, nhấn mạnh một số nhiệm vụ lớn, gồm:

Một là, Hội Nông dân Việt Nam cần tiếp tục tập trung chỉ đạo phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững để phong trào ngày càng phát huy hiệu quả sâu rộng, có sức lan tỏa lớn và đạt kết quả cao, đóng góp thiết thực vào việc nâng cao đời sống của nhân dân. Tập trung các nguồn lực xây dựng các mô hình sản xuất, lấy nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có uy tín làm nòng cốt, làm trung tâm để giúp nông dân tổ chức lại sản xuất theo hướng từ sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn; từ kinh tế hộ nhỏ lẻ, sang liên kết hợp tác theo chuỗi; từ coi trọng năng suất, sản lượng sang chất lượng, giá trị gia tăng đáp ứng yêu cầu hội nhập, nâng cao đời sống nông dân.

Hai là, cần coi trọng công tác tuyên truyền, động viên cổ vũ phong trào, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức phát động thi đua. Kịp thời phát hiện, xây dựng, tổng kết, phổ biến nhân rộng, nêu gương người tốt, việc tốt, khen thưởng kịp thời cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, để nông dân không chỉ tai nghe mà mắt nhìn thấy thực tế, tạo ra sức hấp dẫn, lan toả để học tập, làm theo.

Ba là, để tiếp tục thực hiện thắng lợi phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, không ai khác chính là người nông dân, chủ nhân của phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và cũng là người trực tiếp hưởng thụ kết quả từ sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiếp tục đi đầu, phát huy vai trò điển hình tiên tiến, cống hiến nhiều sức lực, trí tuệ, có cách làm sáng tạo hơn, có tình cảm trong sáng, giúp đỡ nhau trong phát triển sản xuất, xóa nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá, giàu, người khá, giàu thì giàu thêm”.

Bốn là, sau hội nghị này, các cấp Hội tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến cán bộ, hội viên, nông dân kết quả của hội nghị. Tăng cường củng cố các cơ sở, chi, tổ hội, phát triển hội viên gắn với nâng cao chất lượng hội viên, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên nông dân, lấy lợi ích chính đáng và những khó khăn, bức xúc của nông dân làm nội dung hoạt động của Hội. Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức kinh nghiệm thực tế tạo ra bước đột phá mới trong công tác Hội và phong trào nông dân thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế.

Báo cáo của Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Phong trào này đã thu hút được đông đảo sự tham gia của nông dân và chất lượng ngày càng được nâng cao.

Hằng năm, số lượng hội viên nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi các cấp đạt hơn 6,2 triệu lượt hộ, chiếm 41,3% so với tổng số hộ nông dân cả nước. Nhiều địa phương có số hộ đăng ký và đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi như Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Quảng Nam, Phú Yên, Lâm Đồng, Đắk Lắk, TPHCM, Bình Dương, An Giang, Tiền Giang…

Thu nhập bình quân hằng năm sau khi trừ chi phí sản xuất của các hộ như sau: Thu nhập trên 100 triệu đến dưới 200 triệu đồng/năm là trên 2,2 triệu hộ. Thu nhập từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng/năm là 775.000 hộ. Thu nhập từ 300 triệu đến dưới 500 triệu đồng/năm là 340.000 hộ. Thu nhập từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng/năm là 165.000 hộ. Thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm là 27.000 hộ.

Có thể thấy, phong trào này đã góp phần hình thành và phát triển mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân, xây dựng nông thôn mới, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng tổ chức Hội Nông dân ngày càng vững mạnh.

Chuyên đề