Phó chủ tịch Quốc hội: Hơn một triệu tỷ đầu tư đặc khu, lợi ích là gì?

Ông Phùng Quốc Hiển nói tổng số vốn cần huy động cho 3 đặc khu kinh tế là hơn một triệu tỷ đồng, nhưng hiệu quả là gì thì "chưa được làm rõ".
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Sáng 16/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, mục tiêu chính của ba đặc khu là tạo ra hoạt động kinh tế có sức lan tỏa, phát huy được lợi thế so sánh của từng khu vực, như vậy phải thảo luận kỹ lưỡng khía cạnh tài chính, ngân sách của dự luật. "Câu hỏi phải trả lời ở đây là ba đặc khu này sẽ mang lợi ích gì cho đất nước và chúng ta sẽ phải bỏ ra cái gì, thu lại được gì?", ông nói.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội, báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ vấn đề kinh tế của ba đặc khu, "hiệu quả như thế nào, trước mắt có thể chưa nhưng lâu dài phải thu được kết quả tích cực thì mới thuyết phục được".

Ông Hiển lấy ví dụ, theo bản thẩm định đề án Bộ Tài chính gửi các Bộ thì tổng số vốn cần huy động để đầu tư cho 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc là hơn một triệu tỷ đồng. Trong đó, Phú Quốc cần 900.000 tỷ đồng, ngân sách bỏ ra 19%; Vân Đồn cũng cần vài trăm tỷ, ngân sách bỏ ra 10%...

"Phải tính toán xem nguồn lực để thực hiện như thế nào trong 3 năm và 5, 10 năm. Đã làm kinh tế thì cần đặt trên mặt bàn thu, chi ra sao, nhìn nhận tổng quát chứ chỉ định tính thì không thể đưa ra các quyết định đúng đắn được", ông Hiển nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị ban soạn thảo phải trả lời được những vấn đề ông Phùng Quốc Hiển nêu ra. Bà cho rằng, Việt Nam thành lập ba đặc khu để thu hút nguồn lực, tạo cơ chế thông thoáng nhằm xây dựng ba vùng động lực, "như ở Vân Đồn, toàn bộ sân bay, nhà ga hành khách là doanh nghiệp đầu tư, tức là phải tạo ra cơ chế".

Lãnh đạo Quốc hội nói, vấn đề là phải thu hút đầu tư vào đặc khu chứ không phải Nhà nước đổ tiền vào rồi miễn giảm thuế, "chúng ta bỏ ra một đồng để thu lại vài chục, vài trăm đồng, chứ không thể nói 10 năm tới đặc khu không được gì". Ngoài ra, ban soạn thảo cần xác định rõ ngân sách đầu tư vào đặc khu cụ thể là bao nhiêu để đảm bảo tính khả thi; nếu là 10% thì lấy ở đâu?

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng.

Xuất hiện cán bộ đi làm cò đất

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị ba tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hoà, Kiên Giang xem xét đội ngũ cán bộ tại ba vị trí dự kiến xây dựng đặc khu vì hiện nay đang có dấu hiệu rối ren về đất cát.

"Chúng ta quản lý như thế nào khi mới nghe có luật Đặc khu mà người ta đã thổi giá đất lên. Cán bộ mà đi làm thêm bằng cò đất thì chết! Tôi đề nghị lãnh đạo các tỉnh cẩn thận, nếu như luật không thông qua thì sao? Cò đất đã làm rồi, phát sinh vấn đề này, vấn đề kia thành ra chính cán bộ ở tỉnh phải chịu trách nhiệm. Không cẩn thận là mất cán bộ đấy", bà Phóng cảnh báo.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết, từ giữa năm ngoái tỉnh đã thanh tra toàn bộ vấn đề liên quan đến đất đai ở Vân Đồn và hiện tất cả giao dịch đều kiểm soát. "Vừa qua cũng có cò đất đến nhưng chúng tôi đã xử lý", ông Long nói.

Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, bộ máy và đội ngũ cán bộ là vấn đề rất lớn. "Chúng ta tạo một thể chế mới (thông qua cơ chế đặc khu) tăng thêm quyền, phân cấp, tăng tính chủ động nhưng cán bộ có hấp thụ, điều hành được không? Chúng tôi cũng hết sức lo ngại về việc này", ông Dũng nói.

Dự án Luật đơn vị Hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc sẽ tiếp tục được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5, khai mạc ngày 20/5 tới.

Chuyên đề