Phó ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM đi nước ngoài khi chưa được phép

Ông Hoàng Như Cương được cho là đi Mỹ từ hôm 9/12 khi chưa được phép, trong khi Trưởng ban Lê Nguyễn Minh Quang vừa nộp đơn xin thôi việc.
Ông Hoàng Như Cương, Phó ban kiêm Bí thư Đảng ủy Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM.
Ông Hoàng Như Cương, Phó ban kiêm Bí thư Đảng ủy Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM.

Các cơ quan chức năng của TP HCM đang xác minh, tìm hướng xử lý việc Phó ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố Hoàng Như Cương đã đi Mỹ (công việc riêng) từ nửa đầu tháng 12 khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép theo quy định.

Ông Cương là Phó ban, đồng thời giữ chức Bí thư Đảng ủy Ban quản lý đường sắt đô thị thành phố. Hiện, thành phố đã phân công bà Vũ Minh Huyền, Phó bí thư Đảng ủy, Phó ban Quản lý đường sắt đô thị phụ trách Đảng ủy Ban từ ngày 21/12.

Trước đó, tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM với các sở ngành vào giữa tháng 10, ông Cương khẳng định với tình hình thiếu vốn như hiện nay, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) không thể hoàn thành đúng tiến độ vào năm 2020 như dự kiến.

Khởi công tháng 8/2012, tuyến metro số 1 - tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP HCM dài gần 20 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga).

Hiện, công trình đã hoàn thành hơn 50% khối lượng công việc, song luôn trong tình trạng "đói" vốn do vẫn còn "lình xình" về tổng mức đầu tư. Nguyên nhân do năm 2007, thành phố phê duyệt công trình với tổng mức đầu tư gần 17.400 tỷ đồng (hơn 126.500 triệu yen Nhật). Khi đó dự án được xác định thuộc nhóm A - không phải trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Sau đó, tư vấn chung của dự án đã tính toán và xác định lại, tổng mức đầu tư vào năm 2009 là hơn 47.300 tỷ đồng (hơn 235.500 triệu yen Nhật).

Sau khi lấy ý kiến các bộ ngành, thủ tướng cho phép UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh dự án vào tháng 8/2011, tổng mức đầu tư mới là hơn 47.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, lúc này dự án lại thuộc diện phải trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư nên Thủ tướng cho phép thành phố tiếp tục thực hiện dự án vì có phát sinh tiêu chí công trình trọng điểm.

Trong một diễn biến khác, mới đây ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị thành phố đã nộp đơn xin thôi việc vì lý do cá nhân. Tuy nhiên, UBND thành phố chưa quyết định chính thức nên ông Quang vẫn đang công tác bình thường.

Ông Quang được UBND TP HCM bổ nhiệm chức vụ Trưởng ban quản lý Đường sắt Đô thị TP HCM tháng 6/2016. Đây là lần đầu tiên thành phố bổ nhiệm một người ngoài Đảng, lại không phải công chức vào vị trí quan trọng - tương đương giám đốc sở và là đơn vị trực thuộc UBND TP HCM.

Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM được thành lập năm 2007, là cơ quan trực thuộc UBND thành phố có trách nhiệm cho chính quyền thành phố về kế hoạch tổng thể cho việc xây dựng, vận hành và khai thác các tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn, phát triển mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2020; làm chủ đầu tư và quản lý vận hành, khai thác các tuyến đường sắt đô thị của thành phố...

Chuyên đề