Phát triển đặc khu cần tránh dàn trải nhiều ngành, nghề

(BĐT) - Cuộc họp thẩm định Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vừa được Bộ Tư pháp tổ chức đã tiếp thu nhiều ý kiến góp ý nhằm đảm bảo cơ chế, chính sách ưu đãi về kinh tế - xã hội vượt trội, đủ sức hợp tác và cạnh tranh với khu vực và quốc tế của các đặc khu.

Theo đại diện Văn phòng Chính phủ, 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được Bộ Chính trị đồng ý cho thành lập là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) có diện tích nhỏ nên tránh dàn trải tất cả các ngành, nghề, mà chỉ nên chọn một vài lĩnh vực cùng các chính sách ưu đãi mà các địa bàn này thực sự cần. Cùng với hệ thống chính sách ưu đãi hấp dẫn, cần phải có thêm các chính sách khác để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, có năng lực tài chính và kinh doanh các ngành nghề phù hợp.

Đại diện của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao góp ý, cần cân nhắc lợi ích lâu dài, bảo đảm hài hòa lợi ích công với các nhà đầu tư, tránh quy định chính sách chỉ đem lại lợi ích cho một số đối tượng.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu nhận định, do chủ yếu học tập kinh nghiệm của nước ngoài, nên việc tiến hành phải vừa mạnh dạn, vừa thận trọng, từng bước thử nghiệm, không quá cầu toàn để không làm chậm lại các cơ hội thu hút đầu tư.

Chuyên đề