Phát huy ưu thế của nữ đại biểu trong hoạt động nghị trường

Ngày 7/8, tại Đà Nẵng, Quốc hội hai nước Việt Nam và Lào tổ chức Hội thảo Vai trò nữ đại biểu trong hoạt động Quốc hội.
Ngày 7/8, tại Đà Nẵng, Quốc hội hai nước Việt Nam và Lào tổ chức Hội thảo Vai trò nữ đại biểu trong hoạt động Quốc hội - Ảnh: VGP
Ngày 7/8, tại Đà Nẵng, Quốc hội hai nước Việt Nam và Lào tổ chức Hội thảo Vai trò nữ đại biểu trong hoạt động Quốc hội - Ảnh: VGP

Đây là cuộc gặp mặt lần đầu tiên trong nhiệm kì mới của hai Nhóm nữ đại biểu Quốc hội, nhằm tạo diễn đàn cho việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động nghị trường của các nữ đại biểu Quốc hội hai nước.

Tham dự Hội thảo, về phía Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng gần 90 nữ đại biểu Quốc hội đại diện các tỉnh/thành trong cả nước.

Về phía CHDCND Lào có Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotou, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sysay Leudedmounsone và đại diện các Ủy ban và gần 40 nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh/thành của nước bạn Lào.

Quốc hội Việt Nam khóa XIV có 132 nữ đại biểu trúng cử đã đưa tỉ lệ nữ đại biểu lên con số 26,7% (tăng 2,3% so với nhiệm kỳ trước). Về phía Quốc hội Lào, trong tổng số 149 đại biểu của Quốc hội khóa VIII này có 41 đại biểu nữ, chiếm tỉ lệ khá cao 27,5% và có nhiều đại biểu đang giữ trọng trách cao trong Quốc hội.

Điều này khẳng định uy tín ngày càng cao của phụ nữ trong Quốc hội, trong cử tri của cả hai nước. Tuy nhiên, ngoài việc đảm đương nhiệm vụ, vai trò của người đại biểu nhân dân, các nữ đại biểu Quốc hội đồng thời phải đảm nhiệm các công việc chuyên môn của mình, lại vừa phải thực hiện chức năng của người phụ nữ là chăm lo cho gia đình. Vì vậy, để hoàn thành được mọi nhiệm vụ thì mỗi đại biểu nữ phải hết sức nỗ lực phấn đấu trước yêu cầu ngày càng cao của Quốc hội, cũng như của cử tri.

Chia sẻ kinh nghiệm của nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam trong giám sát Quốc hội, PGS. TS. Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, qua thực tiễn trong hoạt động Quốc hội một số nhiệm kỳ vừa qua, có thể nhận thấy, sự đóng góp của phụ nữ trong các hoạt động Quốc hội nói chung và hoạt động giám sát nói riêng là rất lớn.

Mặc dù số lượng nữ đại biểu Quốc hội chỉ bằng 1/3 số lượng đại biểu Quốc hội nam nhưng tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội tham gia phát biểu, chất vấn tranh luận  khá cao và luôn có xu hướng cân bằng hoặc cao hơn nam giới.

Nhìn chung, các phát biểu của nữ đại biểu Quốc hội đề cập đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Tuy nhiên, các nữ đại biểu Quốc hội thường chú trọng nhiều hơn  đến các vấn đề về bình đẳng giới, về phụ nữ, trẻ em, lao động, việc làm...

Kinh nghiệm và sự quan tâm lớn về các vấn đề xã hội trên là thế mạnh của nữ Đại biểu, là cơ sở để xây dựng các giải pháp hiệu quả để phát huy hết vai trò, năng lực của các nữ đại biểu Quốc hội trong các hoạt động Quốc hội nói chung và hoạt động  giám sát nói riêng.

Kinh nghiệm và sự quan tâm lớn về các vấn đề xã hội trên là thế mạnh của nữ đại biểu, là cơ sở để xây dựng các giải pháp hiệu quả để phát huy hết vai trò, năng lực của các nữ đại biểu Quốc hội trong các hoạt động Quốc hội nói chung và hoạt động giám sát nói riêng.

Để phát huy vai trò nữ đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát Quốc hội, xây dựng pháp luật, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội hai nước cần đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế hóa, cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, các điều ước quốc tế ... thành các quy định của pháp luật và tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật về công tác phụ nữ, bình đẳng giới. Chú trọng trong tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng, nâng cao kĩ năng giám sát của các nữ đại biểu Quốc hội theo hướng tăng cường nữ Đại biểu chuyên trách. Qua đó, tận dụng “mọi kênh” để tham gia đóng góp ý kiến cho dự án luật, giám sát hoạt động của các chính sách.

Các đại biểu dự Hội thảo - Ảnh: VGP

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kì vọng, Hội thảo sẽ là cơ hội để nữ đại biểu hai nước giao lưu, thu nhận thông tin, phân tích chính sách, trao đổi kinh nghiệm về kỹ năng hoạt động, cũng như học hỏi kinh nghiệm.

Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tại Quốc hội; tạo điều kiện để cùng chung tiếng nói về các vấn đề liên quan đến chính sách phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới…, đồng thời hỗ trợ cho các nữ đại biểu thực hiện vai trò đại diện, xây dựng hình ảnh người nữ đại biểu trước Quốc hội và cử tri cả nước.

Ghi nhận tính hiệu quả của việc trao đổi kinh nghiệm giữa nữ đại biểu Quốc hội hai nước, Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou cho rằng, các kinh nghiệm chia sẻ tại Hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong công tác giám sát thực hiện hiến pháp của cơ quan lập pháp hai nước. Đặc biệt là thể chế hóa các vấn đề liên quan tới bình đẳng giới, bảo vệ quyền của phụ nữ và quyền của trẻ em thành luật để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Hội thảo diễn ra trong một ngày, các nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam và Lào cùng tập trung thảo luận về 3 chủ đề chính là:  Tổng quan về vai trò của nữ đại biểu Quốc hội trong hoạt động Quốc hội; Kinh nghiệm của nữ đại biểu Quốc hội trong xây dựng pháp luật; Kinh nghiệm của nữ đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát thực hiện pháp luật.

Chuyên đề