Phân vùng kinh tế - xã hội theo nhu cầu phát triển

(BĐT) - PGS.TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trao đổi với Báo Đấu thầu về tư duy đổi mới trong phân vùng với việc đặt trọng tâm vào mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Phương án phân thành 7 vùng kinh tế - xã hội tạo điều kiện mở thêm không gian phát triển cả nội vùng và giữa các vùng. Ảnh: Phạm Hà
Phương án phân thành 7 vùng kinh tế - xã hội tạo điều kiện mở thêm không gian phát triển cả nội vùng và giữa các vùng. Ảnh: Phạm Hà

Theo Luật Quy hoạch (QH), chúng ta sẽ phải lập QH cấp quốc gia, QH vùng, QH tỉnh. Đối với QH vùng, chúng ta sẽ thực hiện như thế nào, thưa ông?

Đối với QH cấp vùng, chúng ta đã lập một vài lần. Lần gần nhất, QH được lập dựa trên 6 vùng được ghi trong các Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ IX (2001) cho tới Đại hội Đảng lần thứ XII (2016), bao gồm: vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Sắp tới, chúng ta sẽ lập QH tổng thể quốc gia, QH vùng, QH tỉnh theo nguyên tắc cái chung làm trước, cái riêng làm sau. Để lập QH vùng, việc đầu tiên phải làm là xác định căn cứ pháp lý vững chắc cho việc phân vùng.

Phân vùng kinh tế - xã hội theo nhu cầu phát triển ảnh 1
PGS.TS Bùi Tất Thắng
Thưa ông, 6 vùng mà chúng ta đang lập quy hoạch có giá trị thực tiễn như thế nào?

Do chưa có văn bản pháp lý quy định rõ ràng nên 6 vùng nêu trên được hiểu một cách ước định là “vùng cơ bản”, “vùng kinh tế - xã hội” với các cách phân vùng chủ yếu dựa trên yếu tố địa lý tự nhiên hay lĩnh vực kinh tế hoặc xã hội có tính chuyên ngành… Và dù ở bất kỳ cách tiếp cận nào thì tính ổn định của việc phân vùng cũng chỉ là tương đối do chịu sự tác động của nhiều nhân tố bên trong và bên ngoài, cũng như nhận thức của con người có sự thay đổi theo thời gian.

Cách phân chia thành 6 vùng cơ bản nêu trên đã là cơ sở cho công tác xây dựng QH tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc thực hiện những QH này tỏ ra ít ý nghĩa thực tế đối với nhiều địa phương, trong mỗi vùng cũng như sự liên kết giữa các vùng. Trong một số trường hợp, giữa các tỉnh, thành phố trong vùng hầu như chưa xuất hiện những nhu cầu thiết thân cần liên kết. Trong một số trường hợp, mặc dù biết liên kết sẽ giải quyết được những vấn đề đặt ra, nhưng do cách nhìn nhận lợi ích mang tính cục bộ mà hiệu quả chung mang tính vùng đã bị bỏ qua.

Thời đại ngày nay đã thay đổi, chúng ta không thể giữ cách phát triển nói chung với cách phân chia vùng như vậy. 

Tư duy về phân vùng sẽ phải thay đổi như thế nào?

Phân vùng trong tư duy mới sẽ phải được tiếp cận tổng thể, toàn diện, trong đó yếu tố nổi trội hay trọng tâm phải là dựa trên nhu cầu phát triển KTXH nhanh và bền vững. Việc phân vùng khi đó sẽ phải hài hòa giữa các yếu tố kinh tế, kết cấu hạ tầng, con người và môi trường tự nhiên.

Theo phương án Bộ KH&ĐT đề xuất, giai đoạn 2021 - 2030, cả nước sẽ phân thành 7 vùng mới gồm: vùng Đông Bắc; vùng Tây Bắc; vùng Đồng bằng sông Hồng; vùng Bắc Trung Bộ; vùng Nam Trung Bộ (gộp Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên); vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Với nhu cầu phát triển kinh tế, các tỉnh trong cùng một vùng phải coi trọng hợp tác với nhau dựa trên những điểm chung, tương đồng nhất định. Có thể là các tỉnh cùng dùng chung kết cấu hạ tầng (giao thông, thủy lợi, lưu vực sông), nhu cầu luồng hàng hóa, sản phẩm đầu ra của vùng… Như vậy, điểm cần xem xét trước tiên là nhu cầu liên kết và hiệu quả hợp tác phát triển vùng. 

Mới đây, Bộ KH&ĐT có báo cáo Chính phủ về vấn đề phân vùng để thực hiện Luật QH. Những phương án phân vùng nào được Bộ đề xuất trình Chính phủ xem xét quyết định?

Trong Báo cáo về phân vùng giai đoạn 2021 - 2030 để thực hiện Luật QH, Bộ KH&ĐT kiến nghị với Chính phủ nên xem xét lại cách phân chia 6 vùng như hiện nay. Nếu chọn phương án phân 6 vùng thì ưu điểm chính là dựa trên các nghị quyết đã có nhiều năm nên không gây xáo trộn về vùng, đảm bảo tính liên tục đối với các hoạt động lập QH vùng, quản lý vùng và có thể triển khai ngay được. Tuy nhiên, việc phân chia này đã bộc lộ khá nhiều hạn chế khi tính liên kết vùng còn yếu, trong khi mục tiêu cao nhất của QH vùng tại Luật QH là gắn kết các địa phương trong vùng để cùng phát triển.

Mặt khác, cho tới nay việc phân chia các vùng KTXH vẫn chưa được xác định bằng một văn bản pháp lý. Vì thế, có thể coi đây như một cơ hội để nghiên cứu, xem xét những căn cứ khoa học để phân chia lại các vùng KTXH.

Với cách đặt vấn đề như vậy, Bộ KH&ĐT đề xuất chọn phương án 7 vùng KTXH với định hướng thúc đẩy sự phát triển, liên kết vùng không chỉ chủ yếu theo trục Bắc - Nam như trước đây, mà còn quan tâm hơn đến trục Đông - Tây để có thể mở thêm không gian phát triển cả nội vùng và giữa các vùng, cả trong nước và khu vực.

Bộ KH&ĐT cũng đã có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành và các địa phương về việc điều chỉnh phân thành 7 vùng và đã nhận được sự phản hồi với hầu hết các ý kiến đồng thuận.

Chuyên đề