Phải kịp thời phát hiện, xử lý văn bản cài cắm lợi ích cục bộ

(BĐT) - Thủ tướng yêu cầu cần sâu sát, thẳng thắn hơn trong việc kiểm tra các thông tư, văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương; kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý văn bản có quy định trái pháp luật hoặc "cài cắm" bảo vệ lợi ích cục bộ, không quản được thì trói...
Tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng các văn bản còn nợ đọng là một trong các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên
Tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng các văn bản còn nợ đọng là một trong các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nhấn mạnh nội dung này tại buổi kiểm tra diễn ra vào chiều ngày 22/3 với 12 bộ, cơ quan về việc xây dựng, trình ban hành và ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng các văn bản còn nợ đọng để hướng dẫn các luật, pháp lệnh.

Theo Bộ trưởng, thời gian qua các bộ, cơ quan đã nỗ lực xử lý tốt vấn đề văn bản nợ đọng, nhưng nếu không nỗ lực thường xuyên thì việc chậm trễ, nợ đọng sẽ quay lại và trở thành rào cản với tăng trưởng. Bên cạnh đó, Bộ trưởng chỉ ra một số văn bản được ban hành mà tính khả thi chưa cao, còn kẽ hở để một số doanh nghiệp lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường. Một số văn bản gây tranh cãi, thậm chí phản ứng mạnh mẽ, những nội dung nhạy cảm không đánh giá hết tác động.

Theo Tổ công tác, hiện các bộ, cơ quan còn nợ đọng 16 văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật, pháp lệnh có hiệu lực từ 1/1/2019, gồm 14 nghị định, 1 quyết định và 1 thông tư. Ngoài ra, từ 1/7/2019, có thêm 16 luật, pháp lệnh sẽ có hiệu lực, nếu không đẩy nhanh tiến độ xây dựng thì sẽ tiếp tục có thêm các văn bản hướng dẫn bị nợ đọng.           

Chuyên đề