Phải có lộ trình trong thu phí dịch vụ thủy lợi

(BĐT) - Tại Phiên họp thứ 3 Khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) diễn ra sáng ngày 12/9, cho ý kiến về Dự án Luật Thủy lợi, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh yêu cầu phải có lộ trình trong thu phí dịch vụ thủy lợi.
Phải có lộ trình trong thu phí dịch vụ thủy lợi

Cung cấp dịch vụ không thể nhờ trời

Tờ trình về Dự án Luật Thủy lợi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đánh giá, nguồn lực để phát triển thủy lợi hiện nay chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, chưa phát huy trách nhiệm và sự tham gia của người dân, người sử dụng nước, cũng như khu vực tư nhân. Vì vậy, cần bổ sung chính sách huy động nguồn lực của xã hội trong đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình thủy lợi, trong đó việc bỏ khái niệm “thủy lợi phí” và đưa ra nguyên tắc để xác định giá đối với dịch vụ thủy lợi là cần thiết. Từ đó, tạo cơ chế tài chính bền vững, tạo động lực, sáng tạo để phát huy hiệu quả khai thác công trình thủy lợi.

Cho ý kiến về vấn đề dịch vụ thủy lợi, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội băn khoăn, nếu thực hiện bài toán về giá dịch vụ thủy lợi thì vấn đề giá phí, bài toán tài chính cho giá dịch vụ thủy lợi này sẽ được tính toán như thế nào? Sự đồng tình, chấp nhận của người dân và tính khả thi trong việc trả phí dịch vụ này đến đâu?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, khi cung cấp dịch vụ thủy lợi thì người cung cấp phải đảm bảo cung cấp nước cho người dân sản xuất trong bất cứ trường hợp nào. “Không thể nói rằng dịch vụ thủy lợi cũng “cung cấp nhờ trời””– ông Phúc nhấn mạnh.

Theo ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, hiện phí làm nông nghiệp đang cao so với thu nhập của một người nông dân và chỉ có người buôn bán lúa gạo mới có lời chứ người nông dân thì không giàu được từ làm lúa gạo. Do đó, việc bỏ khái niệm “thủy lợi phí” và đưa ra nguyên tắc để xác định giá đối với dịch vụ thủy lợi không chỉ là một cuộc cách mạng về ngôn từ mà là phải là việc chuyển đổi sang dịch vụ thủy lợi có tính đến lợi ích, giúp cho người dân chứ không phải giúp cho người quản lý. 

Sẽ phát sinh khiếu nại, tố cáo

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết, quy định “giá dịch vụ thủy lợi” được đưa ra là để bảo đảm phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, vì Luật Phí và Lệ phí không quy định “thủy lợi phí”. Đồng thời, việc thực hiện cơ chế giá sẽ làm thay đổi nhận thức của xã hội về công tác thủy lợi từ “phục vụ” sang đúng bản chất “dịch vụ”; giúp người sử dụng dịch vụ (nước từ công trình thủy lợi) hiểu rõ bản chất hàng hóa của nước, coi dịch vụ thủy lợi là một dịch vụ đầu vào cho sản xuất, góp phần nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm. Việc thực hiện cơ chế giá dịch vụ thủy lợi sẽ đưa công tác thủy lợi tiếp cận với cơ chế thị trường, tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thủy lợi; gắn trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ thủy lợi, bên sử dụng dịch vụ thủy lợi.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, Ủy ban nhất trí với quan điểm chuyển đổi cơ chế từ thu “thủy lợi phí” sang “giá dịch vụ thủy lợi”. Việc tính giá dịch vụ thủy lợi góp phần sử dụng hợp lý, hiệu quả công trình thủy lợi, khuyến khích việc sử dụng nước tiết kiệm.

Do vậy, Dự thảo Luật cần quy định rõ các nội dung: chủ thể cung cấp dịch vụ thủy lợi được thu tiền; các loại hình dịch vụ thủy lợi; bổ sung các loại dịch vụ về kiểm soát lũ cho sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước cho nuôi trồng thủy sản, khu dân cư tập trung; tiêu thoát nước chống úng ngập; mua bán định mức sử dụng nước… để tránh chống chéo, hoặc bỏ sót.

Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhất trí với quan điểm là “phí thủy lợi” phải theo cơ chế thị trường cho nên sẽ phải chuyển sang giá dịch vụ. Tuy nhiên, yêu cầu cơ quan soạn thảo phải đánh giá rất rõ các mặt, nhất là các chính sách miễn giảm phải hợp lý. UBTVQH đề nghị cơ quan soạn thảo rà lại Điều 38 của Dự thảo Luật vì thấy rằng, đối với giá dịch vụ này có thể có tác động, ảnh hưởng tới 80% số hộ nông dân đang sử dụng nước này nên đề nghị thu phí dịch vụ phải có lộ trình. 

Ngoài ra, một vấn đề nữa UBTVQH cũng quan tâm đó là vấn đề thanh tra, kiểm tra khiếu nại, giải quyết tố cáo. “Bởi, khi chuyển sang dịch vụ thủy lợi, có quan hệ pháp lý và kinh tế thì vấn đề khiếu nại, tố cáo trong việc thu phí dịch vụ thủy lợi sẽ phát sinh” – ông Hiển nhấn mạnh và cho biết thêm, mặc dù đã có Luật Khiếu nại, tố cáo nhưng những vấn đề liên quan đến lĩnh vực thủy lợi vẫn cần phải được làm rõ trong Dự thảo Luật. 

Chuyên đề