Phác họa bức tranh tăng trưởng năm 2018

(BĐT) - Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) dự thảo và báo cáo Chính phủ, với mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm tới là 6,5%. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo nhiều chuyên gia, đây là mức tăng trưởng hợp lý cho năm 2018, khi những vấn đề căn cơ như tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng… sẽ được ưu tiên thực hiện.

Kịch bản nào cho tăng trưởng năm 2018?

Với sự bứt phá của nền kinh tế trong quý III, mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 đã khả thi hơn. Thậm chí, một số chuyên gia còn lạc quan, nếu đà tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước và khoảng cách bứt phá khoảng 1 điểm % tiếp tục được duy trì, nhiều khả năng tăng trưởng sẽ vượt mục tiêu 6,7%.

Tuy nhiên, cũng vì những chỉ báo tích cực này mà mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho năm 2018 được Bộ KH&ĐT đưa ra đã khiến nhiều chuyên gia và nhà hoạch định chính sách băn khoăn. Câu hỏi được đặt ra là mục tiêu này có thực sự hợp lý khi tăng trưởng năm 2017 có thể đạt 6,7% và theo dự báo, tất cả 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội sẽ hoàn thành với 8 chỉ tiêu đạt và 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Cách đây hơn 1 tháng, 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 đã chính thức được Bộ KH&ĐT báo cáo Chính phủ. Theo đó, ở phương án thấp, dự kiến GDP tăng trưởng 6,4%; phương án trung bình, mức tăng trưởng là 6,5%; còn phương án cao, mức tăng trưởng là 6,81%. Với 3 kịch bản này, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ KH&ĐT cho rằng, phương án trung bình là khả thi nhất, bởi dù nền kinh tế đã cho thấy dấu hiệu khởi sắc, nhưng dự báo năm 2018 và các năm tiếp theo, ngành khai khoáng có thể tiếp tục giảm, ảnh hưởng tới tăng trưởng cả nước.

Nhận định của ông Phương là hoàn toàn có cơ sở, bởi theo phân tích của Bộ KH&ĐT, nếu năm 2017, ngành khai khoáng không giảm, tức là tăng trưởng 0% thì tăng trưởng GDP năm 2017 có thể đạt tới 7,24%.

Đến thời điểm này, các cân đối lớn của nền kinh tế năm 2018 đã được “hoạch định” như mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; bội chi ngân sách nhà nước dự kiến bằng khoảng 3,7% GDP, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 9 - 10%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 33,5 - 35% GDP, lạm phát được kiểm soát ở mức 4%... Dù chỉ là những phác họa ban đầu, song có thể thấy, mục tiêu tăng trưởng đã không còn được đặt lên hàng đầu, thay vào đó là chất lượng tăng trưởng. 

Còn nhiều thách thức

Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2018 có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, nền kinh tế sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, diễn biến phức tạp của tình hình chính trị thế giới và khu vực. Ở trong nước, các cân đối vĩ mô dù được duy trì ổn định nhưng chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa có nhiều cải thiện. Những yếu tố này sẽ tác động trực tiếp đến tăng trưởng. Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng 6,5% là hợp lý.

Hơn nữa, việc không đặt nặng mục tiêu tăng trưởng sẽ khiến Chính phủ tập trung hơn vào các giải pháp dài hạn, tái cơ cấu nền kinh tế, nhằm hướng tới tăng trưởng cao và bền vững hơn trong tương lai. Khi nền kinh tế thực sự được tái cấu trúc, đổi mới mô hình tăng trưởng, thì kỳ vọng tăng trưởng đột phá trong tương lai hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.

Nhấn mạnh cần coi trọng chất lượng tăng trưởng để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế cho rằng: “Việc cần ưu tiên lúc này là khắc phục tình trạng đầu tư công kém hiệu quả, dàn trải, thất thoát; tình trạng hoạt động kém hiệu quả của khu vực doanh nghiệp nhà nước, cải cách mạnh mẽ khối doanh nghiệp này nhằm phân bổ lại các nguồn lực trong nền kinh tế”.

Không thể phủ nhận là hiện tại vẫn còn không ít khó khăn, thách thức đang chực chờ phía trước. Một trong những thách thức dễ nhìn thấy nhất là các vấn đề như mô hình kinh tế chủ yếu dựa trên lao động giá rẻ, trình độ công nghệ thấp; đến thực trạng doanh nghiệp trong nước vẫn hạn chế cả về quy mô, năng lực điều hành, dẫn tới hạn chế về khả năng cạnh tranh…

Một thách thức nữa là đề xuất tăng các loại chi phí của doanh nghiệp như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… trong thời gian tới. Mặc dù đã có chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ về việc trước mắt chưa đề cập tới việc tăng các loại thuế, phí, lệ phí, ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Tuy nhiên, nỗi lo tăng chi phí đầu vào vẫn đang đè nặng lên doanh nghiệp trong năm 2018.  

Chuyên đề