Phá “điểm nghẽn” tăng trưởng kinh tế

(BĐT) - Kết quả nghiên cứu bước đầu về “Chẩn đoán điểm nghẽn tăng trưởng và Bản đồ năng lực sản xuất của Việt Nam” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ công bố tại cuộc tọa đàm vừa tổ chức ở Hà Nội cho thấy...
Tăng trưởng của nước ta chủ yếu vẫn dựa vào khai thác tài nguyên, vốn đầu tư và lao động giá rẻ. Ảnh: Tiên Giang
Tăng trưởng của nước ta chủ yếu vẫn dựa vào khai thác tài nguyên, vốn đầu tư và lao động giá rẻ. Ảnh: Tiên Giang

Điểm nghẽn tăng trưởng kinh tế của Việt Nam gồm 3 nhóm chính: Nhóm 1, trong ngắn hạn, bộ máy hành chính hoạt động chưa hiệu quả, vẫn còn tình trạng lãng phí, tham nhũng, một số chính sách về đất đai chưa phù hợp thực tiễn và chi phí tài chính cao. Nhóm 2, trong trung hạn gồm rủi ro kinh tế vĩ mô và rủi ro thể chế vi mô. Nhóm 3, trong dài hạn là kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực.

Để tháo gỡ “điểm nghẽn”, lấy lại đà tăng trưởng nhanh và bền vững cho nền kinh tế, theo nhiều chuyên gia, khu vực kinh tế tư nhân giữ vai trò vô cùng quan trọng. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, chưa bao giờ vai trò của khu vực kinh tế tư nhân được nhấn mạnh như hiện nay. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) tư nhân vẫn còn là “điểm nghẽn” lớn bởi sự phát triển yếu kém chưa xứng với tiềm năng. “Chính sách chưa thực sự đóng vai trò yểm trợ để kết nối DN tư nhân với các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), và bản thân DN FDI cũng chưa thực sự tích cực kết nối với DN tư nhân”, ông Lộc nhận định.

Ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, hiện tại, tăng trưởng của nước ta chủ yếu vẫn dựa vào khai thác tài nguyên, vốn đầu tư và lao động giá rẻ, chưa dựa nhiều vào tăng năng suất lao động, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Để thay đổi được mô hình tăng trưởng và phá “điểm nghẽn” tăng trưởng, Việt Nam cần xác định những nhân tố ảnh hưởng tới năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế để có chính sách, giải pháp và chiến lược phù hợp.

Chuyên đề