Ông Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước

Với đa số phiếu tán thành, ông Trần Đại Quang tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội và nhân dân sáng 2/4.
Tân Chủ tịch nước tuyên thệ nhậm chức.
Tân Chủ tịch nước tuyên thệ nhậm chức.

Với 460 phiếu tán thành trên tổng số 465 đại biểu, ông Trần Đại Quang trúng cử chức vụ Chủ tịch nước. Kết quả kiểm phiếu cũng cho biết có 29 đại biểu không đồng ý với đề cử này.

Khoảng 8h45, tân Chủ tịch nước tuyên thệ trong lễ nhậm chức trước Quốc hội và nhân dân.

"Tôi - Chủ tịch nước Trần Đại Quang xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân và hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó", ông nói.

Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết các đại biểu có quyền ứng cử, đề cử vào danh sách bầu Chủ tịch nước. Tuy nhiên, đến sáng nay không có thêm ứng viên nào được giới thiệu.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nhận xét, Bộ trưởng Công an cũng là nhà khoa học trong lĩnh vực công an nhân dân, an ninh quốc gia. Với bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động, một nhà khoa học với tầm nhìn sâu rộng về đảm bảo quốc phòng an ninh như Đại tướng Trần Đại Quang sẽ giúp nhân dân tin tưởng vào Đảng, Nhà nước.

* Tân Chủ tịch nước tuyên thệ

Đại biểu Nguyễn Văn Ring bày tỏ tân Chủ tịch nước sẽ làm tròn trách nhiệm của mình, đặc biệt là đối ngoại. Ông cũng mong muốn, với nhiệm vụ là Chủ tịch hội đồng quốc phòng, Chủ tịch nước phải có giải pháp tích cực hơn nữa để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của đất nước, đặc biệt là giải quyết tốt các vấn đề trên Biển Đông

Đại biểu Nguyễn Thị Khá thì mong muốn tân Chủ tịch nước thể hiện được tính thống lĩnh trong lực lượng vũ trang, là quản lý cao nhất Nhà nước về cả đối nội, đối ngoại, là người chính trực, liêm minh và gần gũi.

"Tôi mong Chủ tịch nước sẽ thể hiện quan điểm mạnh mẽ hơn nữa trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt phải tranh thủ được sự ủng hộ của các nước trên thế giới và giải quyết các vấn đề biển đảo trên cơ sở luật pháp chứ không phải đối đầu", bà Khá nói.

Nữ đại biểu tỉnh Trà Vinh cũng kiến nghị cần có Luật Trách nhiệm của Chủ tịch nước để quy định rõ hơn nhiệm vụ, chức năng của người đứng đầu nhà nước. Bởi hiện nay, pháp luật quy định khi cần thiết Chủ tịch nước có thể yêu cầu Chính phủ báo cáo tham nhũng, trong những vụ án trọng điểm có quyền chỉ đạo... Tuy nhiên, những quyền này bà chưa thấy được thể hiện.

"Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang là người rất bản lĩnh, có tinh thần trách nhiệm cao. Trong những vụ án lớn, ngay khi nắm thông tin, ông thường chỉ đạo làm ngay. Điều này thể hiện tính linh hoạt để giải quyết kịp thời những mong mỏi của người dân", bà Khá chia sẻ.

Tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: Giang Huy.

Đại tướng, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang năm nay 60 tuổi, quê ở Ninh Bình. Ông là giáo sư, tiến sĩ Luật, ủy viên Trung ương Đảng khóa 10, 11, 12, ủy viên Bộ Chính trị khóa 11, 12, đại biểu Quốc hội khóa 13.

Tốt nghiệp trường Cảnh sát Nhân dân, ông làm cán bộ ở Cục Bảo vệ chính trị I, II (Bộ Nội vụ), rồi Trưởng phòng Tham mưu, Trưởng phòng nghiệp vụ, Cục Bảo vệ chính trị II.

Từ 1989 đến 1991, ông học lý luận cao cấp tại Học viện Nguyễn Ái Quốc, sau đó làm Phó Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh. Năm 1996 ông lên làm Cục trưởng.

Đến năm 2000, ông giữ chức Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh (Bộ Công an), ba năm sau được thăng hàm thiếu tướng.

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 12 năm 2011, ông được phê chuẩn làm Bộ trưởng Công an, được thăng quân hàm từ trung tướng lên thượng tướng. Một năm sau ông được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao quyết định thăng hàm đại tướng.

Thời gian còn lại của ngày 2/4, Quốc hội sẽ miễn nhiệm, giới thiệu, bỏ phiếu kín bầu Phó Chủ tịch Quốc hội, một số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội và Tổng kiểm toán Nhà nước.

Chuyên đề