Nỗ lực cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh

(BĐT) - Nhiều năm gần đây, dù môi trường kinh doanh của Việt Nam, theo đánh giá  của Ngân hàng Thế giới (WB), đều tăng bậc với nhiều chỉ số tăng hạng, song chỉ số khởi sự kinh doanh chưa có sự chuyển biến. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Dự thảo Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trình Chính phủ tập trung giải pháp cải thiện thứ hạng chỉ số khởi sự kinh doanh lên tối thiểu 40 bậc.

Chỉ số “đáng xấu hổ”

Mức độ thuận lợi về khởi sự kinh doanh có ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh của một quốc gia. Tuy nhiên, đáng buồn là theo Bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh Doing Business 2018 thì khởi sự kinh doanh lại là một trong 4 chỉ số giảm bậc trong khi hầu hết các chỉ số khác tăng hạng.

Theo WB, chỉ số khởi sự kinh doanh bao gồm 9 chỉ số thành phần là: thủ tục thành lập doanh nghiệp (DN); khắc dấu; công bố con dấu; mở tài khoản ngân hàng; mua hóa đơn (in hóa đơn) VAT; công bố thông tin đăng ký DN; đóng lệ phí môn bài; đăng ký lao động ở địa phương; đăng ký bảo hiểm xã hội. Các chỉ số thành phần này được quản lý bởi nhiều đơn vị: công an, tài chính, KH&ĐT, Ngân hàng Nhà nước, Tổng liên đoàn Lao động.

Doing Business 2018 chỉ ra, Việt Nam mất 22 ngày để thực hiện các thủ tục với chi phí 6,5% thu nhập đầu người (khoảng gần 3 triệu đồng). Phí tăng do phần lệ phí môn bài của Bộ Tài chính tăng 100% (từ 1 triệu đồng tăng thành 2 triệu đồng). Thủ tục mua hoặc in hóa đơn VAT mất 10 ngày...

Không ít chuyên gia cho rằng, khởi sự kinh doanh, một trong số những chỉ số được xem là dễ dàng cải thiện nhất nhưng nhìn vào xếp hạng của Doing Business 2018 thì việc giảm 2 bậc là điều đáng suy nghĩ. Bà Nguyễn Minh Thảo, Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, việc giảm bậc không phải do các chỉ số không có sự cải thiện mà do các quốc gia khác cải thiện tốt hơn Việt Nam. Cũng theo bà Thảo, việc chỉ số khởi sự kinh doanh không có chuyển biến không phải bây giờ mới được nêu ra, thế nhưng vẫn chưa có nhiều thay đổi.

Sốt ruột hơn, phát biểu trong một hội thảo kinh tế diễn ra gần đây, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, trong 3 năm gần đây, thứ hạng của chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam đã liên tục đi xuống, trở thành “một chỉ số xấu hổ”. 

Không thể chần chừ

Dự thảo Nghị quyết 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo vừa được Bộ KH&ĐT trình Chính phủ đặt ra mục tiêu rõ ràng với việc cải thiện chỉ số này. Dự thảo nêu rõ: “Khởi sự kinh doanh tăng thêm ít nhất 40 bậc; bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu con dấu, thủ tục đăng ký tài khoản ngân hàng với cơ quan đăng ký kinh doanh; thực hiện cơ chế “một cửa” trong đăng ký lao động và bảo hiểm xã hội; rút ngắn thời gian doanh nghiệp mua hóa đơn VAT hoặc tự in hóa đơn xuống dưới 4 ngày”.

Theo một số chuyên gia, đây không phải mục tiêu quá khó bởi có thể có những giải pháp để cải thiện được ngay, thậm chí là dễ nhất trong các chỉ số có thể cải thiện để tăng thứ bậc. Tuy nhiên, có tăng lên được 40 - 50 bậc như mục tiêu Dự thảo Nghị quyết đặt ra hay không lại phụ thuộc nhiều vào việc các bên liên quan có đủ quyết tâm để làm hay không.

Không chần chừ, mà tỏ rõ quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, nhất là chỉ số khởi sự kinh doanh, Dự thảo Nghị quyết đề xuất 3 việc cụ thể Bộ KH&ĐT cần làm ngay để cải thiện chỉ số trên.

Đầu tiên là chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cải thiện thứ hạng chỉ số theo đúng mục tiêu đã định; tăng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh lên khoảng 40 - 50 bậc.

Tiếp đó, Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu nhằm khắc phục bất hợp lý, chưa rõ ràng, chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn và khác nhau trong các nội dung có liên quan đến đầu tư, kinh doanh.

Song song với đó, Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tư Pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Danh mục ngành nghề loại bỏ khỏi Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật số 03/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục IV Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 trước tháng 10/2018.

Chuyên đề