Những mũi đột phá để tránh tụt hậu

(BĐT) - “Những thành tựu sau 30 năm đổi mới là rất lớn, tuy nhiên đến nay quy mô kinh tế Việt Nam vẫn còn quá nhỏ so với dân số khoảng 100 triệu người, nguy cơ tụt hậu hiện hữu… Trọng tâm của kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn tới là phải tạo ra được động lực nội sinh từ trong mỗi con người và toàn xã hội để thay đổi, từ đó làm cho đất nước thay đổi”. 
Điều quan trọng là tạo ra được động lực nội sinh từ trong mỗi con người, cơ quan, xã hội bằng những hành động cụ thể để tạo ra sự thay đổi, từ đó làm đất nước phát triển
Điều quan trọng là tạo ra được động lực nội sinh từ trong mỗi con người, cơ quan, xã hội bằng những hành động cụ thể để tạo ra sự thay đổi, từ đó làm đất nước phát triển

Đó là suy tư, trăn trở của ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), người chắp bút bản Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Nguy cơ tụt hậu

Ông Nguyễn Đình Cung chia sẻ, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực thì quy mô kinh tế của Việt Nam còn quá nhỏ. Gần đây có nhiều cảnh báo về nguy cơ tụt hậu của nền kinh tế đang ngày càng rõ nét. “Chỉ riêng về bắt kịp các nước trong khu vực thôi thì cũng đòi hỏi nỗ lực gấp bội so với những thứ chúng ta đã làm 30 năm qua”, ông Cung bộc bạch.

Ông cũng cho biết, trong 30 năm qua, mỗi thập kỷ đổi mới thì tăng trưởng giảm 1 điểm %. Thập kỷ đổi mới đầu tiên tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 8%/năm, thập kỷ thứ hai khoảng 7%/năm, thập kỷ thứ 3 hiện còn khoảng 6%. “Nếu không thay đổi thì khả năng thập kỷ sau đây tăng trưởng của Việt Nam chỉ còn khoảng 5%. Mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 6,7%/năm cho giai đoạn 2016 - 2020 khó có thể đạt được. Trong khi đó, Việt Nam là đất nước có vị trí địa lý khá thuận lợi, khí hậu không quá khắc nghiệt, có không ít nhân tài… Điều đó làm tôi suy nghĩ mãi, không có lý gì các nước làm được mà chúng ta không làm được” - người đứng đầu CIEM trăn trở. 

Nền kinh tế bộc lộ không ít bất cập

Theo ông Cung, nguyên nhân sâu xa của thực trạng trên nằm trong chính mô hình tăng trưởng với các động lực tăng trưởng dựa chủ yếu vào mở rộng các nguồn lực đầu vào (vốn, lao động, tài nguyên). Trong khi đó, các nguồn lực này đã tới hạn, dư địa gia tăng hơn nữa ngày càng bị thu hẹp. Vì vậy, trong giai đoạn 2016 - 2020, bên cạnh việc tiếp tục huy động nguồn lực tốt thì Việt Nam cũng cần phải thay đổi cách thức sử dụng nguồn lực. Giai đoạn vừa qua chúng ta huy động nguồn lực quá nhiều. Có những năm tổng đầu tư xã hội từ 32 - 35% GDP, thậm chí có những năm lên tới 42% GDP. Đây là một tỷ lệ cao trên thế giới. Ông Cung so sánh: “Chúng ta đầu tư 32% GDP thì tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 5 - 6%, nhưng cùng với mức đầu tư này hoặc thấp hơn thì Nhật Bản, Hàn Quốc… lại thu được kết quả tăng trưởng từ 8 - 10%”.

Ông Cung nhìn nhận, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng liên tục trong thời gian qua, đây là điều chúng ta tự hào. Song nếu nhìn một cách tổng thể trong cân đối kinh tế thì “chưa chắc”. Ông trăn trở, dường như những cơ hội từ việc chúng ta đi đàm phán, ký kết các hiệp định kinh tế thời gian qua vẫn chủ yếu dành cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, còn doanh nghiệp Việt Nam không tận dụng được hoặc tận dụng không được bao nhiêu, nên trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam thì khối doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng khoảng 70%.

Không chỉ có vậy, thời gian qua, ngân sách chúng ta dành cho chi thường xuyên khá nhiều, tăng liên tục, sẽ không có nguồn để dành cho đầu tư phát triển, trong khi tiếp tục gây áp lực nợ công, khiến nợ công cứ tăng nhanh chóng. 

Đổi mới mô hình tăng trưởng

Ông Cung nhấn mạnh, đổi mới mô hình tăng trưởng là để nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững toàn diện cả về kinh tế, xã hội và môi trường, không thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá. Mô hình tăng trưởng mới phải là nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, nâng cao năng suất lao động làm động lực cho tăng trưởng thay vì liên tục gia tăng đầu tư, gia tăng sử dụng các nguồn lực khác.

“Lâu nay, mỗi năm cứ thấy tăng trưởng chưa đạt kế hoạch đề ra thì lại có ý kiến đề xuất cần xem có thể đào thêm được bao nhiêu than, hút được bao nhiêu dầu để bù đắp. Nay chúng ta phải thay đổi lại, tăng trưởng phải dựa vào đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa” - ông Cung đề xuất và phân tích thêm. Theo cách này, nếu như trước đây chúng ta đầu tư 7 đồng để được 1 đồng tăng trưởng thì giờ đổi lại là cứ 4 đồng được 1 đồng tăng trưởng; hay như năng suất lao động của chúng ta hiện còn thấp thì nâng cao năng suất lao động lên.

Để đổi mới mô hình tăng trưởng, Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII cũng như Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đã nhấn mạnh đến các giải pháp thực hiện. Cụ thể là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ hiện đại; chú trọng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập của đất nước. Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng nhấn mạnh đến giải pháp ưu tiên phát triển và chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ hiện đại, coi đây là yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại tổng thể các ngành, lĩnh vực kinh tế trên phạm vi cả nước và từng địa phương, doanh nghiệp với tầm nhìn dài hạn, có lộ trình cụ thể.

Ông Cung cho biết, hiện nay Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo Chương trình hành động để thực hiện hiệu quả nội dung Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII. Tại Chương trình hành động này, công tác tổ chức thực hiện sẽ được quán triệt mạnh mẽ bằng việc giao trách nhiệm cụ thể tới những người đứng đầu các đơn vị từ Trung ương tới cơ sở.

Nhưng theo ông Cung, những chỉ đạo hành chính có thể nhất thời, điều quan trọng là tạo ra được động lực nội sinh từ trong mỗi con người, cơ quan, xã hội bằng những hành động cụ thể để tạo ra sự thay đổi, từ đó làm đất nước phát triển. Đây cũng là một trong những trọng tâm của Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2020.

Chuyên đề