Những danh nhân tuổi Hợi trong lịch sử dân tộc

(BĐT) - Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước với nhiều biến cố thăng trầm, ở mỗi giai đoạn đều có những người anh hùng, những danh nhân nổi tiếng. 
Những danh nhân tuổi Hợi trong lịch sử dân tộc

Nhân dịp xuân mới Kỷ Hợi 2019, Báo Đấu thầu trân trọng giới thiệu tới độc giả một số gương mặt danh nhân tuổi Hợi ưu tú, có nhiều công lao đóng góp cho sự phát triển, trường tồn của dân tộc Việt Nam (theo trình tự thời gian).

1. Vua Lý Thánh Tông (1023 - 1072)

Những danh nhân tuổi Hợi trong lịch sử dân tộc ảnh 1
Ông là con trưởng của vua Lý Thái Tông, lên ngôi vua năm 1054. Ông nổi tiếng là một vị vua thông minh xuất chúng, giỏi võ, thông kinh truyện, có ý chí tự lực tự cường, có hoài bão xây dựng đất nước hùng mạnh nên đã đặt quốc hiệu nước ta là Đại Việt. Trong 18 năm tại vị, vua Lý Thánh Tông đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, khoan giảm hình phạt cho dân; xây dựng quân đội Đại Việt hùng mạnh, thực hiện chính sách đối ngoại cứng rắn với Đại Tống, mở mang bờ cõi đất nước sau thắng lợi trong cuộc chiến tranh Việt - Chiêm (năm 1069).

Sử gia Ngô Sĩ Liên đã dành những lời lẽ ca tụng khi viết về vua Lý Thánh Tông: "Vua khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về thu phục người xa, đặt khoa bác sĩ, hậu lễ dưỡng liêm, sửa sang việc văn, phòng bị việc võ, trong nước yên tĩnh, đáng gọi là bậc vua tốt”. Thời kỳ vua Lý Thánh Tông trị vì được xem là thời kỳ cực thịnh của nhà Lý.

2. Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585)

Những danh nhân tuổi Hợi trong lịch sử dân tộc ảnh 2
Ông là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam thế kỷ 16. Ông được biết đến nhiều vì tư cách đạo đức, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Lê - Mạc phân tranh cũng như tài tiên tri các tiến triển của lịch sử Việt Nam thể hiện trong sách Sấm Trạng Trình. Sau khi đậu Trạng nguyên khoa thi Ất Mùi (1535) và làm quan dưới triều Mạc, ông được phong tước Trình Tuyền Hầu rồi thăng tới Trình Quốc Công, dân gian quen gọi ông là Trạng Trình. Sự nghiệp văn học của ông có 2 tập thơ nổi tiếng còn lưu truyền hậu thế là “Bạch Vân am thi tập” (chữ Hán) và “Bạch Vân quốc ngữ thi tập” (chữ Nôm). Đây được xem là thành tựu lớn của thơ văn trung đại Việt Nam, mở đầu cho một dòng thơ ca mô tả xã hội dưới góc nhìn đời tư và đời thường.

Xuất thân từ tầng lớp trí thức quan lại, nhưng cả cuộc đời Nguyễn Bỉnh Khiêm chưa bao giờ coi việc làm quan là lý tưởng cao nhất của sự nghiệp. Là một nhà nhân đạo chủ nghĩa, ông luôn đề cao tư tưởng thân dân trong sách lược trị nước.

3. Nguyễn Huy Tự (1743 - 1790)

Ông được người đời biết đến là danh sĩ và là quan nhà Lê Trung hưng trong lịch sử Việt Nam. Nguyễn Huy Tự sinh ra trong một gia đình khoa bảng nổi tiếng ở tỉnh Hà Tĩnh. Năm 17 tuổi, ông đậu Hương cống, làm quan ở các trấn Hưng Hóa, Sơn Tây. Năm 1783, mẹ mất, ông về quê chịu tang mẹ và cũng là lúc ông nhận thấy triều đình Lê - Trịnh thối nát nên đã cáo quan, ở lại quê nhà cùng cha nghiên cứu văn học, mở thư viện chăm lo dạy học, đào tạo nhân tài xây dựng quê hương.

Năm 1788, Quang Trung tiến quân ra Bắc lần thứ nhất, dừng chân ở Nghệ An, chiêu hồi và tuyển lựa quân sĩ có mời Nguyễn Huy Tự ra làm tướng, phong chức Hữu Thị Lang rồi cùng vua Quang Trung tiến quân ra Bắc “phù Lê diệt Trịnh”.

Về lĩnh vực văn học, ông có 2 tác phẩm được lưu truyền đến ngày nay là “Truyện Hoa Tiên” và “Tây Hưng đạo sử tập”. Trong đó, “Truyện Hoa Tiên” là một trong số ít tác phẩm văn học đầu tiên bằng chất liệu lục bát đề cập sâu đến đề tài tình yêu đôi lứa, đến khát vọng tự do yêu đương.

4. Vua Minh Mạng (1791 - 1841)

Những danh nhân tuổi Hợi trong lịch sử dân tộc ảnh 3
Ông là vị hoàng đế thứ hai của triều Nguyễn. Ông trị vì từ năm 1820 đến khi qua đời, được truy tôn miếu hiệu là Nguyễn Thánh Tổ.

Ông được người đời đánh giá là vị vua thông minh, hiếu học, năng động, quyết đoán, có nhiều cải cách về hành chính trong 21 năm trị vì đất nước. Ông cũng là vị vua quan tâm sâu sắc đến học hành khoa cử, tuyển chọn nhân tài. Cứ 3 năm 1 lần, ông cho mở thi Hội, thi Đình (trước đó là 6 năm 1 lần). Trong việc dùng người, ông yêu cầu phải có đức độ, năng lực và đặc biệt coi trọng học thức. Ông còn cho người lập Quốc Sử quán để biên soạn lịch sử dân tộc và các triều đại nước nhà.

Theo đánh giá của giáo sư sử học Phan Huy Lê, trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam, cải cách của vua Lê Thánh Tông năm 1471 và cải cách của vua Minh Mạng năm 1831 - 1832 là hai cải cách hành chính có quy mô toàn quốc và đạt hiệu quả cao nhất.

5. Tôn Thất Thuyết (1839 - 1913)

Những danh nhân tuổi Hợi trong lịch sử dân tộc ảnh 4
Tôn Thất Thuyết là một trong những quan nhà Nguyễn chống thực dân Pháp tiêu biểu nhất, là người cùng vua Hàm Nghi phát động phong trào Cần Vương. Cuộc đời của Tôn Thất Thuyết gắn liền với binh nghiệp. Năm 1869, ông giữ chức Án sát tỉnh Hải Dương. Tháng 7/1870 làm biện lý Bộ Hộ và sau đó giữ chức Tán tương giúp Thống đốc quân vụ đại thần Hoàng Tá Viêm dẹp loạn ở các tỉnh phía Bắc.

Sau chiến dịch này, Tôn Thất Thuyết được phong chức Quang lộc tự khanh và làm Tán lý quân thứ Thái Nguyên. Ông chỉ huy đánh dẹp nhóm Đặng Chí Hùng ở Thái Nguyên (tháng 12/1870); đánh tan quân Tàu Ô ở Hải Dương (1872); đánh thắng toán giặc khách ở Quảng Yên (tháng 8/1872). Tháng 12/1873, ông cùng Hoàng Tá Viêm phục binh tại Cầu Giấy (Hà Nội) giết chết viên đại úy chỉ huy quân sự Francis Garnier trong đợt thực dân Pháp tiến đánh miền Bắc lần thứ nhất.

Với những chiến công này, Tôn Thất Thuyết được vua Tự Đức trọng dụng. Ngày 19/7/1883, trước khi băng hà, vua Tự Đức chọn Tôn Thất Thuyết làm Đệ tam phụ chính đại thần để giúp Dục Đức kế vị ngôi vua. Từ năm 1885 - 1892, ông đã liên tục tổ chức nhiều hoạt động chống Pháp ở vùng Đông Triều và trở thành đối tượng cần thanh toán số một của người Pháp.

6. Phan Kế Bính (1875 - 1921)

Những danh nhân tuổi Hợi trong lịch sử dân tộc ảnh 5
Ông là nhà báo, nhà văn nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỷ 20. Năm Bính Ngọ (1906), Phan Kế Bính thi Hương và đỗ cử nhân, nhưng không ra làm quan mà ở nhà dạy học. Từ năm 1907, ông bắt đầu viết báo cho nhiều tờ báo trong nước, trong vai trò là một trợ bút, chủ yếu là dịch thuật, biên khảo sách chữ Hán. Ông được đánh giá là một trong những cây đại bút viết bằng chữ quốc ngữ thuộc thế hệ giao thời cũ/mới, đi tiên phong và có những đóng góp quan trọng trong buổi đầu của tiến trình hiện đại hóa nền văn chương dân tộc.

Với tấm lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc, các bài báo và công trình biên khảo của ông tập trung nghiên cứu bản sắc tinh hoa di sản, tinh thần văn hóa, văn học cùng các tấm gương anh hùng rạng rỡ của lịch sử Việt Nam từ cổ đại đến cận đại. Phan Kế Bính cũng đặc biệt nổi tiếng với công trình nghiên cứu “Việt Nam phong tục” với sự tìm tòi một cách công phu, tỉ mỉ những phong tục, tập quán hàng nghìn năm của người Việt, tồn tại bảo lưu trong các quan hệ gia đình, nơi làng xã nông thôn và trong cộng đồng xã hội Việt Nam.

Chuyên đề