Nhiều băn khoăn với Luật Bảo hiểm xã hội mới

(BĐT) - Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 với nhiều quy định mới đang khiến nhiều doanh nghiệp lo phải oằn mình với các khoản đóng tăng cao và lao động nữ đối mặt với nỗi lo thất nghiệp.
Lao động nữ đối mặt với nỗi lo thất nghiệp trước các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mới. Ảnh: LTT
Lao động nữ đối mặt với nỗi lo thất nghiệp trước các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mới. Ảnh: LTT

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 với nhiều quy định mới, được đánh giá là có lợi hơn cho người lao động. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, với các quy định mới của Luật không chỉ doanh nghiệp (DN) lo phải oằn mình với các khoản đóng tăng cao, mà ngay cả người lao động, nhất là lao động nữ, cũng sẽ phải đối mặt với nỗi lo thất nghiệp.

Doanh nghiệp phải nộp mức BHXH cao hơn nhiều

Theo quy định mới của Luật BHXH 2014, từ ngày 1/1/2016, DN sẽ phải đóng các khoản trích bảo hiểm tính theo phần trăm trên tổng thu nhập của người lao động (mức lương cơ bản và phụ cấp lương), thay vì như trước đó là tỷ lệ này được tính trên mức lương cơ bản, thấp hơn rất nhiều so với tổng thu nhập hàng tháng của người lao động.

Đại diện một DN tư vấn xây dựng cho biết, với đặc thù là đơn vị tư vấn nên cơ cấu tiền lương cho người lao động chiếm phần lớn trong các khoản chi của Công ty. Trong những năm gần đây, ngành xây dựng gặp nhiều khó khăn kéo theo sự khó khăn chung của DN tư vấn xây dựng. “Khi doanh thu của Công ty không tăng, lại phát sinh thêm nhiều khoản chi, các khoản chi cũ cũng gia tăng nên DN gặp rất nhiều khó khăn khi phải trả lương “đúng hẹn” cho người lao động. Với những người lao động có chuyên môn cao, mức lương mời chào ở bên ngoài rất hấp dẫn nên DN khó mà “níu chân” được người tài nếu không tăng lương cho họ. Bây giờ, nếu các khoản đóng góp mà còn tăng nữa, không biết DN có đủ sức để gồng mình nữa hay không”, đại diện DN này chia sẻ.

Cũng theo DN này, mức lương cơ bản của kỹ sư được Nhà nước quy định khởi điểm là 2,34 (khoảng 2,5 triệu đồng/tháng) nhưng trên thực tế, chẳng có DN nào thuê được nhân sự với giá đó. Tại DN, lương khởi điểm của những kỹ sư lúc mới được tuyển dụng ít nhất cũng dao động ở mức 5 triệu đồng/tháng. Như vậy, với quy định mới của Luật BHXH 2014, mức đóng góp của DN cho người lao động sẽ phải tăng trung bình gấp đôi.

Chị Cồ Thị Oanh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, chị đi làm gần 2 năm nay nhưng không được đóng BHXH. Mặc dù đi làm cả ngày nhưng DN chỉ ký hợp đồng lao động theo nhân sự thời vụ, lương khoán trọn gói theo tháng, hợp đồng ký 2 tháng/lần để không phải đóng BHXH (theo quy định, nếu ký hợp đồng trên 3 tháng, DN bắt buộc phải đóng BHXH, BHYT cho người lao động). 

Lao động nữ lo thất nghiệp

Bên cạnh việc tăng tỷ lệ đóng các khoản bảo hiểm, Luật BHXH 2014 còn có các quy định mới về tăng mức trợ cấp ốm đau (mức hưởng trợ cấp ốm đau 1 ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 24 ngày thay vì chia 26 ngày như hiện hành. Mức hỗ trợ ốm đau dài ngày (sau 180 ngày) tăng lên 50% thay vì 45% như hiện nay; bổ sung nhiều chế độ thai sản (Luật BHXH 2014 điều chỉnh tăng thời gian hưởng thai sản khi sinh con lên 6 tháng phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2012). Đối với lao động nữ khó mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của bác sĩ muốn được nhận chế độ thai sản chỉ cần đóng BHXH từ đủ 3 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thay vì 6 tháng như quy định trước đó.

Khi phóng viên thực hiện khảo sát nhanh một số lao động nữ về những quy định mới được cho là có lợi cho “chị em” khi Luật BHXH 2014 có hiệu lực thi hành thì trái lại với suy nghĩ thông thường, nhiều lao động nữ bộc lộ nỗi lo thất nghiệp. Chị Phan Thị Thu Thủy (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, trong bối cảnh thị trường công việc khó khăn, các DN rất ngại tuyển dụng nhân sự là nữ vì khi lao động nữ nghỉ thai sản thì DN sẽ phải sắp xếp nhân sự làm việc thay thế theo thời vụ.

Ngoài ra, nhiều người cho rằng, quy định mới đưa ra nhiều ưu đãi dành cho lao động nữ có thể sẽ khiến DN không mặn mà với việc tuyển dụng đối tượng lao động này vì sợ phải “gồng gánh” thêm nhiều nghĩa vụ.             

Chuyên đề