Nhập siêu có đáng lo?

(BĐT) - Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan tính đến 15/2 cho thấy, cán cân thương mại hàng hóa tính riêng trong 15 ngày đầu tháng 2/2017 thâm hụt gần 2,45 tỷ USD, đưa mức nhập siêu cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15/2/2017 tới gần 1,21 tỷ USD. 
Tháng 2, các doanh nghiệp tăng nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất sau Tết. Ảnh: Lê Tiên
Tháng 2, các doanh nghiệp tăng nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất sau Tết. Ảnh: Lê Tiên

Còn theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê hôm 28/2, Việt Nam xuất siêu 1,15 tỷ USD trong tháng 1, còn tháng 2 lại nhập siêu tới 1,2 tỷ USD.

Nhập khẩu nhóm hàng cho sản xuất tăng mạnh

Khi bình luận về con số nhập siêu nói trên, ThS. Đinh Tuấn Minh - Giám đốc điều hành Công ty CP Nghiên cứu thị trường Marketintello, thành viên Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, điều này không phải là vấn đề nghiêm trọng. Theo ông Minh, tháng 2 các doanh nghiệp tăng nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất sau Tết nên kim ngạch nhập khẩu tăng cao là bình thường.

Cụ thể, theo ước tính của Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2017, kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 4,7 tỷ USD, tăng 28,6%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 4,3 tỷ USD, tăng 11,1%; điện thoại và linh kiện đạt 1,7 tỷ USD, tăng 14,9%; sắt thép đạt 1,4 tỷ USD, tăng 41,8%; chất dẻo đạt 953 triệu USD, tăng 23,4%...

Còn theo phân tích của đại diện Tổng cục Hải quan, việc điều chỉnh tỷ giá đồng USD cuối năm 2016 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), cũng như tốc độ tiêu dùng, phục hồi chậm của các thị trường xuất khẩu như Mỹ, EU cũng đã tác động tới kim ngạch xuất nhập khẩu. Đồng USD tăng giá khiến việc nhập khẩu của các nước trên thế giới trở nên đắt đỏ hơn nhưng cũng giúp cho các doanh nghiệp có lợi thế hơn khi xuất khẩu vào thị trường như Mỹ.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Hải quan, do năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, trong khi đó nhu cầu nhập khẩu gia tăng nên việc bỏ nhiều tiền hơn để nhập khẩu phần nào đẩy cán cân thương mại nghiêng về phía nhập siêu.

Xuất khẩu nông sản giảm là điều đáng buồn

Cán cân thương mại hàng hóa tính riêng trong 15 ngày đầu tháng 2/2017 thâm hụt gần 2,45 tỷ USD, đưa mức nhập siêu cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15/2/2017 tới gần 1,21 tỷ USD
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh lại tỏ ra băn khoăn trước việc sụt giảm kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 2 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu gạo đạt 328 triệu USD, giảm 21,4% (lượng giảm 18,4%); hạt điều đạt 255 triệu USD, giảm 3,3% (lượng giảm 19,7%); sắn và sản phẩm của sắn đạt 152 triệu USD, giảm 15,9% (lượng giảm 6,4%); hạt tiêu đạt 129 triệu USD, giảm 27% (lượng giảm 7,4%). “Các mặt hàng nông sản vốn là một trong những thế mạnh mà chúng ta cần đẩy mạnh khai thác. Việc sụt giảm có thể do nhiều nguyên nhân và đây là một tín hiệu buồn”, ông Trinh nói.

Khi được hỏi về con số nhập siêu 1,2 tỷ USD ngay 2 tháng đầu năm, ông Bùi Trinh cho rằng, việc xuất siêu hàng hóa của Việt Nam lâu nay cũng không hẳn là đáng mừng và nhập siêu hàng hóa cũng không hoàn toàn đáng lo. Lý giải rõ hơn, ông Bùi Trinh nói: “Nhìn vào cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây đều thấy khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm vai trò chủ đạo. Riêng trong 27,3 tỷ USD xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2017 thì khu vực FDI (bao gồm cả dầu thô) đã chiếm gần 20 tỷ USD. Ở chiều nhập khẩu, khu vực FDI cũng chiếm 16,2 tỷ USD trên tổng kim ngạch 27,38 tỷ USD”.

“Xuất khẩu tăng mạnh mà chủ yếu là tập trung ở các nhóm hàng khối FDI sản xuất và những mặt hàng dựa vào nguồn lao động rẻ, mang nặng tính gia công, lắp ráp là chủ yếu, hàm lượng giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị sản phẩm rất thấp như điện thoại và linh kiện; dệt may; điện tử, máy tính và linh kiện… Do vậy chỉ lấy tổng xuất khẩu hàng hóa làm “niềm vui” hay “nỗi buồn” là không thích hợp”, ông Bùi Trinh nói.

Ông Trinh cho rằng, điều quan trọng đối với nền kinh tế bây giờ là phải thực hiện mạnh mẽ và thực chất quá trình cấu trúc lại nền kinh tế. Chuyển đổi tập trung sang phát triển các lĩnh vực là thế mạnh của Việt Nam như nông nghiệp và dịch vụ thay vì quá chú trọng vào phát triển công nghiệp khai thác và chế biến, chế tạo.

“Dịch vụ thì rất nhiều mà trong đó tôi muốn nhấn mạnh đến ngành du lịch. Chúng ta có thế mạnh về du lịch nhưng chưa khai thác được nhiều. Nói chung, muốn phát triển được phải khai thác tận dụng vào thế mạnh của mình”, chuyên gia Bùi Trinh nhấn mạnh.

Chuyên đề