Nghĩ về sự thay đổi, thích nghi để phát triển

(BĐT) - Đầu năm 2003, trong một cuộc hội thảo về Văn học phản kháng của người da màu tại Trường Đại học Massachusetts (Mỹ), Giáo sư Kevin Bowen, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến tranh và hậu quả của chiến tranh William Joiner - là một trong những người có công đầu trong việc nối kết nền Văn học Việt Nam tới nhân dân Mỹ vào những năm 1980 - 1990, kể với chúng tôi: Vào những năm 1980, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara có buổi nói chuyện quan trọng về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam tại Trường Đại học Harvard. Đúng vào thời khắc quan trọng nhất của buổi diễn thuyết, ông ta ngưng lại giây phút. Sau đó, bằng một giọng nghẹn ngào đầy cay đắng, ông thốt lên: Cuộc chiến tranh của chúng ta ở Việt Nam là một sai lầm…
Công cuộc đổi mới ở nước ta đã mang lại nhiều thành tựu lớn lao trong phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn
Công cuộc đổi mới ở nước ta đã mang lại nhiều thành tựu lớn lao trong phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Lời tuyên bố vừa dứt, cả hội trường lớn chật cứng người nghe lặng đi, rồi bỗng tất cả đều bật khóc… Đó là một ngày buồn! Một ngày mà nước Mỹ chính thức thừa nhận với toàn thế giới rằng, họ đã bại trận, là sai lầm không thể sửa chữa. Từ đó về sau, một câu hỏi luôn vang lên ở mọi nơi trên nước Mỹ: Tại sao Việt Nam lại chiến thắng, tại sao Mỹ bại trận? Đó là điều người Mỹ không thể hiểu nổi…

Ít ngày sau, chúng tôi tham dự một buổi dạ tiệc do những người bạn Mỹ từng tham gia chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam tại thành phố Iowa, một học giả người Mỹ nhấn mạnh thêm: Cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam không phải căn bản chỉ là sai lầm mà còn là phi đạo đức. Và chính những người từng ủng hộ Việt Nam trong chiến tranh cũng không thể ngờ tới chiến thắng lớn vào ngày 30/4/1975. Vào buổi tối rất tình cờ, chúng tôi (Đoàn nhà văn Việt Nam sang thăm Mỹ) tới quán bia để giải khát thì gặp một cựu chiến binh Mỹ. Khi biết chúng tôi là người Việt Nam, anh ta vô cùng xúc động chạy đến bắt tay, miệng thốt ra câu tiếng Việt chưa sõi: “Việt Nam, Việt Nam, chiến thắng, chiến thắng…”. Sau này, chúng tôi biết, anh ta từng là lính thủy quân lục chiến tại chiến trường Đà Nẵng. Hôm đó, anh ta nồng nhiệt ngồi uống bia cùng chúng tôi, ánh mắt luôn mở sáng, thân thiện và mến trọng… Và anh ta mong muốn được kết bạn cùng chúng tôi...

Vâng! Chiến tranh đã lùi xa, chính những người lính chiến từng tham trận, sau 30/4/1975, hơn ai hết muốn quên đi quá khứ không mấy vui vẻ để hòa nhập vào cuộc sống mới, làm mới lại cuộc sống bắt đầu từ khao khát xóa bỏ hận thù, cùng nhau làm bạn, cùng nhau liên kết và đổi mới cách nhìn về nhau, để cùng tồn tại và phát triển, mục tiêu chung là hướng tới hạnh phúc hơn cho con người.

Chính vì bắt đầu từ những nhận thức thay đổi để hòa hợp giữa hai cựu thù sau cuộc chiến, mà chính quyền Mỹ sau đó, buộc phải bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Ngày nay, không còn ai nghi ngờ gì nữa về mối bang giao giữa Việt Nam và Mỹ, hai cựu thù đã và đang quyết tâm xóa đi mọi rào cản quá khứ để xây dựng một mối quan hệ bạn bè, cùng chung sống hòa bình, cùng tương tác hỗ trợ, cùng có lợi và không ngừng phát triển. Nếu không có nhận thức đổi mới, xóa bỏ quá khứ, khăng khăng ôm giữ thù hận, không chịu thay đổi để thích nghi, thì liệu Việt Nam và Mỹ có được mối quan hệ tích cực như đang có hay không? Đặc biệt là trong thời đại ngày nay - thời đại của hội nhập toàn cầu. Không một dân tộc nào có thể tồn tại trong cô lập mà giàu có, hạnh phúc, dân giàu nước mạnh. Vì vậy, đổi mới và phát triển là quy luật khách quan, là điều sống còn để đất nước phồn vinh. Bài học về sự thích nghi để đổi mới trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ là một minh chứng hùng hồn cho sự thích nghi để tồn tại và phát triển của dân tộc ta hôm nay. 

Chiến thắng gắn liền với sự thay đổi

Một câu chuyện khác là, từ nhiều năm nay, cứ đến dịp 30 tháng 4, những người lính trận chúng tôi lại tổ chức gặp gỡ nhau để tưởng nhớ những đồng đội đã mất, để ôn lại kỷ niệm. Trong những buổi gặp gỡ như vậy, có rất nhiều câu chuyện xoay quanh chiến thắng 30/4 và sự thay đổi, phát triển của đất nước trong những năm vừa qua.

Về chiến thắng 30/4, chúng ta có thể khẳng định: Nếu không nắm bắt được thời cơ, đổi mới trong tư duy, trong chiến thuật, chiến lược mới, thì không thể biết cuộc chiến sẽ diễn ra như thế nào? Chúng ta còn nhớ, vào thời điểm tháng 8/1974, Bộ Chính trị đã giao cho Cục Tác chiến, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đề ra 2 bước: Bước 1 (1975), tranh thủ bất ngờ tiến công lớn và rộng khắp; Bước 2 (1976), thực hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa giải phóng miền Nam.

Như vậy là ban đầu, trong năm 1975, chúng ta chưa hề đặt ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam mà mới chỉ dừng lại ở mức “tranh thủ bất ngờ tiến công lớn và rộng khắp”... Nhưng ngay sau đó, từ ngày 18/12/1974 đến ngày 8/1/1975, Bộ Chính trị họp Hội nghị mở rộng. Đúng vào thời điểm này, tin thắng lợi Đường 14 - Phước Long báo về, ngay lập tức Bộ Chính trị thay đổi nhận thức, chớp thời cơ, đưa ra quyết tâm chiến lược: giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 - 1976. Vào ngày 4/3/1975, Chiến dịch Tây Nguyên mở màn và nhanh chóng giành thắng lợi. Tây Nguyên, rồi duyên hải miền Trung được giải phóng. Ngay lập tức, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt, khẳng định: Với Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng, cuộc Tổng tiến công chiến lược của ta bắt đầu. Với khí thế “một ngày bằng 20 năm”, theo chỉ thị của Bộ Chính trị: “Nắm vững hơn nữa thời cơ chiến lược, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4 không thể để chậm. Ngày 26/4/1975, thực hiện mệnh lệnh của Bộ Chính trị, trên 5 hướng tiến công, các binh đoàn chủ lực Quân Giải phóng nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu theo phân công; đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4, cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi...

Như vậy, có thể thấy, trong cuộc Tổng công kích mùa xuân 1975, chúng ta luôn chủ động tạo ra thời cơ, nắm bắt thời cơ, đổi mới các hình thức tác chiến, phương thức chiến tranh, và điều đặc biệt là luôn tận dụng thời cơ, bám sát diễn biến trên chiến trường để đổi mới nhiệm vụ phù hợp với thực tiễn. Chính vì thích nghi với thực tế, chỉ đạo mau lẹ, kịp thời, chính xác mà chúng ta đã giành được chiến thắng trọn vẹn năm 1975. 

Thích nghi để đổi mới và phát triển

Đặt vấn đề về sự thích nghi để đổi mới và phát triển ở trên, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến vấn đề lớn và quan trọng, có tính chất quyết định tới sự sống còn của đất nước, của dân tộc là luôn phải bám sát thực tiễn, thích nghi với mọi diễn biến khách quan ở trong nước và thế giới, trên cơ sở đó đề ra giải pháp hợp lý, hợp tình, đề ra chiến thuật và chiến lược mới phù hợp thực tiễn, hợp quy luật, có như vậy mới tồn tại, phát triển vững chắc.

Quán triệt sâu sắc tinh thần chớp thời cơ, thay đổi chiến thuật, chiến lược, tiến công giành thắng lợi trọn vẹn vào ngày 30/4/1975, ngay từ năm 1986, Đảng ta đã căn cứ vào thực trạng đất nước lúc bấy giờ, phát động công cuộc đổi mới toàn diện và triệt để. Cho đến nay, công cuộc đổi mới đã mang lại thành tựu lớn lao, thật đáng tự hào. Đó là, chúng ta càng ngày càng xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước. Điều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là bước chuyển từ mô hình nhà nước tập quyền XHCN sang mô hình nhà nước pháp quyền XHCN. Về kinh tế, đó là từ một nền kinh tế nhỏ lẻ, manh mún với 90% dân số làm nông nghiệp, chúng ta đã xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội cho sự phát triển. Nền tảng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội mạnh mẽ, đất nước đã thay đổi căn bản, kinh tế duy trì ở mức tăng trưởng cao, tiềm lực kinh tế tăng lên, đời sống nhân dân đang được cải thiện, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trở thành lực lượng quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh...

Thích nghi để thay đổi, chúng ta sẽ có tất cả...

Chuyên đề