Nếu tính cả kinh tế “ngầm”, năng suất lao động sẽ khác

(BĐT) - Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, quyết toán ngân sách nhà nước diễn ra tại Hội trường sáng ngày 26/5, ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra lo lắng về tình hình năng suất lao động nước ta còn thấp.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, nếu tính cả phần kinh tế “ngầm” thì bức tranh năng suất lao động Việt Nam sẽ khác tại phiên thảo luận ở Hội trường sáng ngày 26/5. Ảnh:VGP
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, nếu tính cả phần kinh tế “ngầm” thì bức tranh năng suất lao động Việt Nam sẽ khác tại phiên thảo luận ở Hội trường sáng ngày 26/5. Ảnh:VGP

Tuy nhiên, trong phần đăng đàn của mình, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, nếu tính cả phần kinh tế “ngầm” thì bức tranh năng suất lao động Việt Nam sẽ khác.

Cho ý kiến về vấn đề năng suất lao động, Đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) nhấn mạnh quan điểm cần xem năng suất lao động là đòn bẩy trọng tâm phát triển kinh tế bền vững. Theo Đại biểu So, hiện năng suất lao động của nước ta ở mức thấp, chỉ bằng 7% của Singapore, 16,7% của Malaysia và 36% của Thái Lan và thậm chí thấp hơn cả Lào là 87%. Chúng ta đang mất dần lợi thế lao động rẻ, làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Chia sẻ với ý kiến của Đại biểu So và dẫn báo cáo của Chính phủ, Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho biết, năng suất lao động xã hội năm 2017 đạt 93,2 triệu đồng/lao động, tăng 6% so với năm 2016; bình quân năm 2011-2017 tăng 4,7%/năm. Mặc dù năng suất lao động của Việt Nam có cải thiện theo hướng tăng dần qua từng năm, nhưng tính theo sức mua năm 2011 thì năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 chỉ bằng khoảng 7% Singapore, bằng 93,2% Lào…. Nguyên nhân quan trọng nhất khiến năng suất lao động của Việt Nam thấp so với các nước trong khu vực ASEAN đó là tăng trưởng theo chiều rộng, tăng vốn đầu tư và tăng lao động trong khi đóng góp năng suất của nhân tố tổng hợp còn thấp.

“Vậy lao động Việt Nam đang ở đâu trong thế giới 4.0 này?”, Đại biểu Thắng đặt câu hỏi và cho rằng sẽ là quá muộn trong một sân chơi kinh tế mà ở đó luật chơi không dành cho những ai không chuẩn bị đầy đủ tâm thế của người trong cuộc và người vào cuộc cần có. Đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ cần có cuộc điều tra, đánh giá và nhận diện đầy đủ tình hình chất lượng năng suất lao động của Việt Nam hiện nay đang khó, thiếu hay yếu điểm nào nhằm khẩn trương xây dựng chiến lược, chính sách nhằm nâng cao năng suất lao động.

Trong phần giải trình của mình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, đứng ở góc độ quản lý nhân lực, nhìn một cách khách quan thì năng suất lao động thời gian qua là có chuyển biến, đạt 93,25 triệu đồng/lao động.  Khái quát bức tranh năng suất lao động,  Bộ trưởng Dung nói: “Nếu nói về tốc độ tăng năng suất thì Việt Nam có tốc độ khá tốt, thuộc các nước có tốc độ cao. Song bình quân 10 năm qua thì năng suất lao động chỉ tăng 4,4%, năng suất khu vực công nghiệp tăng 3,8% - dưới mức trung bình, năng suất lao động chung của các ngành kinh tế bằng 1/3 khu vực công nghiệp, năng suất lao động khu vực công nghiệp bằng 1/4 năng suất lao động khu vực dịch vụ”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Dung nhấn mạnh, qua trao đổi thì thấy rằng , nếu áp dụng phương pháp chung phù hợp với xu hướng quốc tế thì có thể tính toán lại một cách cụ thể. “Hiện chúng ta chưa tính hết kinh tế “ngầm”, hay nói cách khác là chưa đánh giá chính xác thu nhập không chính thức. Nếu làm được điều này, tôi tin rằng năng suất lao động của Việt Nam không thể như bức tranh trên”, Bộ trưởng nêu quan điểm.

Để góp phần cải thiện năng suất lao động Việt Nam hiện nay, nhiều đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp cho vấn đề này như: Cần có cái nhìn đúng đắn và toàn diện trong hoạch định chính sách thúc đẩy năng suất bằng việc chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, cải thiện trình độ kỹ thuật lao động. Cùng với đó khuyến khích đầu tư khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu sang hoạt động có giá trị gia tăng góp phần cải thiện năng suất…

Chuyên đề