Năng suất lao động của Việt Nam “đội sổ” trong khu vực ASEAN

(BĐT) - Đánh giá này được nêu ra trong Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 với tựa đề “Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất” vừa được Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB – VNU) và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam công bố sáng ngày 08/5 tại Hà Nội.
Các ngành có năng suất thực sự “đội sổ” bao gồm “chế biến chế tạo”, “xây dựng” và “logistics”. Ảnh: Tường Lâm
Các ngành có năng suất thực sự “đội sổ” bao gồm “chế biến chế tạo”, “xây dựng” và “logistics”. Ảnh: Tường Lâm

Báo cáo năm nay, bên cạnh việc xem xét, nhận định tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam, các chuyên gia đi sâu đánh giá đặc điểm của quá trình thay đổi năng suất lao động trong hai thập kỷ hội nhập kinh tế và chọn lọc phân tích một số khía cạnh trên thị trường lao động của Việt Nam, đồng thời đưa ra các khuyến nghị chính sách ngắn hạn và dài hạn cho nền kinh tế.

Theo Báo cáo, cùng với xu hướng chung, kinh tế Việt Nam cũng có sự cải thiện đáng kể về mặt tăng trưởng. Khu vực sản xuất, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, tiếp tục là động lực tăng trưởng chủ đạo. Lạm phát được duy trì ở mức tương đối thấp nhờ chính sách điều tiết cung tiền thận trọng của Ngân hàng Nhà nước. Kinh tế vĩ mô ổn định, cùng với những cải cách thể chế của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường đầu tư được kỳ vọng tiếp tục phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực hơn cho hoạt động kinh doanh trong năm 2018. Tuy nhiên, nhiều vấn đề nội tại cố hữu, trong đó có vấn đề năng suất lao động, nợ công và thâm hụt ngân sách và việc kinh tế Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố bên ngoài, vẫn sẽ là lực cản với nền kinh tế khi chưa có biện pháp triệt để.

Đặc biệt, khi phân tích đặc điểm của năng suất lao động Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ cấp độ tổng thể nền kinh tế đến cấp độ ngành trong mối tương quan so sánh với một số quốc gia Đông Bắc Á và ASEAN cho thấy, năng suất của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trong khu vực, kể cả khi so sánh với Campuchia. Đặc biệt các ngành có năng suất thực sự “đội sổ” bao gồm “chế biến chế tạo”, “xây dựng” và “logistics” cho thấy điều đáng lo ngại về nền sản xuất nội địa. Ngoài ra, trong một thập niên gần đây năng suất của Việt Nam chủ yếu được cải thiện nhờ dịch chuyển cơ cấu. Vì thế, thị trường lao động linh hoạt có ý nghĩa quan trọng, nhưng điều này lại chưa được chú ý.

Chuyên đề