Muôn màu xã hội hóa y tế

(BĐT) - Xã hội hóa y tế đã và đang được thực hiện tại nhiều địa phương. Thế nhưng, bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn lại việc triển khai xã hội hóa tại nhiều địa phương còn nhiều vấn đề bất cập, mỗi nơi mỗi vẻ và đặt ra lo ngại về tính minh bạch trong lựa chọn đối tác liên kết, chất lượng của máy móc, thiết bị…
Phần lớn bệnh viện thực hiện xã hội hóa bằng hình thức liên kết đặt máy móc, thiết bị y tế. Ảnh: Tường Lâm
Phần lớn bệnh viện thực hiện xã hội hóa bằng hình thức liên kết đặt máy móc, thiết bị y tế. Ảnh: Tường Lâm

Hợp đồng hợp tác với cá nhân

Theo một Kết luận thanh tra của Bộ Y tế tại Sở Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu, từ năm 2014 đến cuối năm 2015, tại địa phương này có 2 đơn vị triển khai xã hội hóa là Bệnh viện Lê Lợi và Trung tâm Y tế thành phố Bà Rịa.

Bệnh viện Lê Lợi là bệnh viện đa khoa khu vực hạng II, trực thuộc Sở Y tế có quy mô 420 giường bệnh, gồm 20 khoa phòng với tổng số 518 cán bộ nhân viên. Tại thời điểm thanh tra, Bệnh viện đang thực hiện 1 đề án xã hội hóa có tên Khu phòng dịch vụ điều trị theo yêu cầu, thực hiện từ năm 2008.

Hình thức triển khai cụ thể là Bệnh viện Lê Lợi góp 220 m2 đất, ông Phạm Mạnh Tường góp 1.265.415.926 đồng để thực hiện xây dựng cơ bản, mua sắm thiết bị phòng, thiết bị y tế. Tỷ lệ phân chia lợi nhuận từ 2008 đến tháng 7/2013 là Bệnh viện 30%, ông Phạm Mạnh Tường 70%; từ tháng 8/2013 đến nay theo tỷ lệ Bệnh viện 50%, ông Tường 50%.

Trong thời kỳ thanh tra, năm 2013 tổng doanh thu từ khu xã hội hóa là 954,5 triệu đồng, lợi nhuận sau thuế 309,2 triệu đồng. Chia lợi nhuận, Bệnh viện được 102,9 triệu đồng, ông Tường 147,6 triệu đồng. Năm 2014, tổng doanh thu 967,5 triệu đồng, lợi nhuận sau thuế là 309,2 triệu đồng, ông được chia 154,578 triệu đồng.

Theo Thanh tra Bộ Y tế, Đề án xã hội hóa này được xây dựng chưa dựa trên cơ sở pháp lý là Thông tư số 15/2007/TT-BYT về hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để mua sắm thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập. Đối tác liên doanh trong Đề án là ông Phạm Mạnh Tường không phải tổ chức có pháp nhân như quy định của Thông tư số 15/2007/22-BYT. Hàng năm kết quả thực hiện Đề án chưa báo cáo với Sở Y tế. 

Dấu hỏi về chất lượng thiết bị

Ở một trương hợp khác, những thông tin từ kết luận thanh tra việc triển khai xã hội hóa y tế tại Lào Cai khiến không ít người phải băn khoăn lo lắng về chất lượng của máy móc, thiết bị rất quan trọng để phục vụ bệnh nhân.

Trong 2 năm 2014, 2015, Sở Y tế Lào Cai đã phê duyệt Đề án liên doanh, liên kết cho 2 đơn vị. Cụ thể tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, phía đối tác lắp đặt trang thiết bị (máy siêu âm màu 4D), cơ sở y tế tổ chức hoạt động cung cấp dịch vụ trả phí đối tác theo số lượng dịch vụ đã thực hiện. Tại Trung tâm Y tế dự phòng Tỉnh, thành lập Phòng tiêm chủng dịch vụ SAFPO thực hiện theo hình thức góp vốn với Công ty CP Y tế Đức Minh, Trung tâm góp vốn bằng hạ tầng tại địa chỉ số 163 đường Tuệ Tĩnh, phường Kim Tân, TP. Lào Cai, thương hiệu, công tác điều hành và quản lý chuyên môn.

Theo Thanh tra Bộ Y tế, Đề án tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản còn sơ sài, chưa nêu phương án về chi phí của dịch vụ, chưa trích lập Quỹ dự phòng rủi ro cho một số trường hợp đặc biệt, chưa có phương án về khấu hao máy, phương án sau khi kết thúc hợp đồng liên doanh, liên kết. Ngoài ra còn rất nhiều cái “chưa” đáng lẽ phải có để bảo đảm chất lượng máy móc, dịch vụ như chưa nêu rõ về cấu hình, thông số kỹ thuật máy; chưa thành lập Hội đồng chuyên môn kỹ thuật cấp cơ sở; chưa có chuyên gia kỹ thuật về trang thiết bị, chuyên gia về lĩnh vực chuyên môn có liên quan để thẩm định cấu hình, tính năng kỹ thuật của thiết bị sử dụng trong Đề án liên doanh, liên kết; chưa xác định được giá máy đưa vào liên doanh, liên kết do không có thẩm định giá của cơ quan thẩm định giá; Tờ khai hải quan (phô tô) không thể hiện rõ số sê ri máy, không thể hiện giá nhập khẩu; không căn cứ vào kết quả đấu thầu của loại thiết bị cùng loại của một đơn vị công lập trong thời gian 6 tháng. Giấy phép nhập khẩu, tờ khai hải quan, giấy chứng nhận nguồn gốc và chất lượng máy đều là giấy phô tô. Trung tâm chưa niêm yết công khai bảng giá thu từ hoạt động liên doanh, liên kết để người bệnh biết và lựa chọn, chưa có sổ sách ghi chép hoạt động…

Tại Trung tâm Y tế dự phòng Tỉnh, đáng lẽ phải công khai cho toàn thể cán bộ, viên chức trước khi lập đề án, thì việc công khai lại được thực hiện sau khi trình Sở Y tế phê duyệt Đề án xã hội hóa, khiến việc xin ý kiến dường như không còn tác dụng. Thời hạn hợp đồng là nội dung rất quan trọng cũng không có trong hợp đồng liên doanh, liên kết này; không đưa các thiết bị, máy phục vụ hoạt động vào hợp đồng; chưa thành lập hội đồng thẩm định về giá trị tài sản, cơ sở vật chất, cấu hình, tính năng kỹ thuật của thiết bị tham gia liên doanh, liên kết.

Với nhiều cái chưa và không có trong những hợp đồng hợp tác kinh doanh khi thực hiện xã hội hóa này, thật khó để có cơ sở chắc chắn bảo đảm chất lượng máy móc, thiết bị, giá dịch vụ và chi phí mà người bệnh phải bỏ ra có phù hợp!?

Chuyên đề