Lý Hoàng Nam và giấc mơ tennis Việt

(BĐT) - Khởi đầu năm 2018 thật ý nghĩa với quần vợt nước ta nói chung và tay vợt Lý Hoàng Nam nói riêng khi lần đầu tiên, Việt Nam có một vận động viên (VĐV) quần vợt nằm trong Top 500 của bảng xếp hạng quần vợt nhà nghề thế giới ATP. Mục tiêu tiếp theo của Lý Hoàng Nam trong năm là “công phá” Top 400 ATP, thậm chí là Top 300 ATP và chơi được ở các giải đẳng cấp cao hơn…
Lý Hoàng Nam và giấc mơ tennis Việt

Kỷ lục gia tuổi 21

Những ngày cuối năm 2015, sau khi thi đấu ấn tượng tại các giải nhà nghề cấp độ Men Future, Lý Hoàng Nam kết thúc năm ở vị trí 993 ATP. Ngay lập tức, tên tuổi của anh lần đầu tiên xuất hiện trên tạp chí thể thao danh tiếng Tennis World của Mỹ: “Tay vợt 18 tuổi Lý Hoàng Nam đã làm nên lịch sử cho quần vợt Việt Nam khi trở thành tay vợt đầu tiên lọt vào top 1.000 của ATP”.

Trong thế giới tennis chuyên nghiệp, việc một VĐV nằm trong Top 1.000 ATP không có nhiều ý nghĩa, nhưng với Việt Nam, đó là một dấu mốc quan trọng. Bởi từ khi hệ thống tính điểm quần vợt nhà nghề thế giới ra đời, trước Hoàng Nam chưa có tay vợt Việt Nam nào nằm trong Top 1.000 ATP.

Trước đó, ở cấp độ trẻ, VĐV xuất thân từ một cậu bé nhặt bóng quê Gò Dầu, Tây Ninh cũng đã kịp sở hữu hàng loạt kỷ lục đáng nể như: Vô địch quốc gia khi mới 15 tuổi 8 tháng (năm 2013); Vô địch Đại hội Thể thao trẻ châu Á (năm 2013); Vô địch một giải ITF quốc tế U18 nhóm I (năm 2015); là người Việt Nam đầu tiên tham dự đủ 4 giải Grand Slam cấp độ trẻ. Và đỉnh cao đáng tự hào là tháng 5/2015, Hoàng Nam vô địch nội dung đôi nam Wimbledon trẻ và trở thành VĐV tennis đầu tiên của Việt Nam lên ngôi vô địch một giải Grand Slam danh giá, dù ở cấp độ Junior, và là VĐV tennis thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á từ xưa đến nay có vinh dự nói trên…

Đều đặn trong hai năm qua, Lý Hoàng Nam lần lượt xô đổ và lập nên những kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” cho tennis Việt như là tay vợt Việt Nam đầu tiên vô địch một giải quần vợt nhà nghề Men Future (giải Việt Nam F5, tháng 9/2016); tay vợt Việt Nam đầu tiên thắng một trận tại giải cấp độ Challenger (giải Vietnam Open, tháng 10/2016). Năm 2017, sau chức vô địch giải Thái Lan F3, lần đầu tiên Hoàng Nam công phá Top 500 ATP và lúc cao nhất là thứ hạng 462 ATP, xác lập một kỷ lục mới cho quần vợt Việt. Với phong độ và năng lực chuyên môn đang từng bước được cải thiện, sẽ không ngạc nhiên khi Lý Hoàng Nam tiếp tục thiết lập hàng loạt kỷ lục mới cho tennis Việt trên đấu trường quốc tế trong những năm tới… 

Và “giấc mơ” ATP World Tour?  

Những ngày đầu năm 2018, cả châu Á dậy sóng khi tay vợt 21 tuổi Chung Hyeon (Hàn Quốc) đánh bại tượng đài quần vợt đương đại thế giới Novak Djokovic để vào tứ kết Australian Open. Sau chiến tích của Kei Nishikori (Nhật Bản) tại US Open năm 2014 (đánh bại Djokovic ở bán kết và giành vị trí á quân), lần thứ hai có một nam VĐV quần vợt châu Á “hạ đẹp” người đang sở hữu 12 danh hiệu đánh đơn Grand Slam và tiến xa như vậy ở một giải Grand Slam. Trước niềm vui chung của lục địa vàng, nhiều người hâm mộ Việt Nam lại day dứt với câu hỏi, bao giờ được chứng kiến một VĐV tennis Việt có mặt ở các giải ATP World Tour?

Trở lại với Lý Hoàng Nam, cách đây không lâu, người hâm mộ tennis Việt từng kỳ vọng Nam sẽ “vượt vũ môn” ra “biển lớn”, có mặt ở những giải đấu lớn trên thế giới, sau khi thành công nổi bật ở cấp độ trẻ. Tuy nhiên, thực tế qua 3 năm Hoàng Nam chơi chuyên nghiệp cho thấy, từ quần vợt trẻ đến tennis đỉnh cao là một khoảng cách xa vời.

Dù xuất sắc ở cấp độ trẻ nhưng khi thi đấu chuyên nghiệp, Hoàng Nam mới chỉ đủ trình độ chơi ở cấp độ nhà nghề thấp nhất là các giải Men Future (mỗi năm trên thế giới có từ 300 - 400 giải Men Future). Hai chức vô địch Men Future Hoàng Nam đạt được chỉ có tổng điểm thưởng mỗi giải là 18. Những giải Men Future đẳng cấp cao hơn (27 điểm thưởng cho chức vô địch), Nam đều không thể đi quá vòng tứ kết bởi đụng độ các tay vợt từ Top 200, 300 ATP “dạt” xuống để tích lũy điểm số… Ở cấp độ Challenger, nơi chức vô địch được thưởng từ 80 -150 điểm (tùy tiền thưởng của giải), Hoàng Nam vẫn chưa thể chen chân vào vòng chính do đây là đấu trường của không ít tay vợt từng có thứ hạng Top 100, 200 ATP. Bởi vậy, để được dự một giải ATP World Tour thấp nhất là cấp độ ATP 250, với Hoàng Nam còn là câu chuyện xa vời…

Trong tennis đỉnh cao, nền tảng thể lực và sự bền bỉ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, truyền thống phát triển và sự đầu tư là những bệ đỡ quan trọng không kém, tạo môi trường phát triển cho các VĐV đỉnh cao. Ở Việt Nam, chúng ta thiếu những nhân tố trên nên Hoàng Nam giống như một cánh chim đơn độc. Nhìn sang Nhật Bản, cường quốc tennis châu Á sẽ thấy, để có một Kei Nishikori, phía sau là hàng chục tay vợt trong Top 100, 200 ATP. Hàn Quốc trước khi có Chung Hyeon, đã từng có những tay vợt trong Top 40 thế giới. Như huấn luyện viên Trần Đức Quỳnh - người phát hiện ra tài năng của Hoàng Nam từng nói, giấc mơ ATP của người Việt không nên chỉ dồn gánh nặng lên đôi vai mỏng manh của Nam, mà cần được đặt vào nhiều những Lý Hoàng Nam, để từ đó, người xuất sắc nhất sẽ hội tụ đủ mọi yếu tố để “bay lên”…

Với việc Hoàng Nam tròn 21 tuổi vào đầu năm 2018 (Nam sinh ngày 5/2/1997) và đang có dấu hiệu chững lại, xem ra thời gian để có thể phát triển của Nam không còn dài, nếu coi 24 là lứa tuổi chín muồi của VĐV tennis chuyên nghiệp. Từ giờ đến đó, nếu không có một cuộc “vượt vũ môn” ngoạn mục, kỳ vọng ngày nào đó được nhìn thấy Hoàng Nam có mặt ở ATP World Tour vẫn là một giấc mơ! 

Còn những hy vọng

Nói như vậy không có nghĩa là hy vọng “bay cao” của Lý Hoàng Nam không còn. Nên nhớ là BECAMEX Bình Dương, đơn vị chủ quản đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để có một tay vợt nằm trong Top 500 ATP không bao giờ muốn sự đầu tư đó dở dang. Nên nhớ là Hoàng Nam có một ý chí vượt bậc và một tài năng thuộc hàng hiếm có của quần vợt Đông Nam Á. Và nên nhớ rằng, tay vợt số 3 châu Á hiện tại Yuichi Sugita (Nhật Bản), vừa kết thúc năm 2017 ở vị trí 41 ATP (năm 2017, Yuichi Sugita giành danh hiệu ATP 250 đầu tiên ở tuổi 28), năm 21 tuổi cũng có thứ hạng không hơn Hoàng Nam nhiều và thể trạng cũng không vượt trội so với Nam. Bởi vậy, nếu rèn luyện tốt, chơi được ở các giải cấp độ Challenger và từng bước nâng tầm đẳng cấp một cách vững chắc, Hoàng Nam hoàn toàn có thể “chín” muộn và thành công với tennis đỉnh cao, nhất là khi đơn vị chủ quản đang tìm huấn luyện viên mới cho Nam, sẵn sàng đầu tư mạnh mẽ để Hoàng Nam nâng tầm.

Với người yêu tennis Việt Nam, hãy cứ vui và cổ vũ mỗi khi Hoàng Nam tạo nên kỷ lục mới, và biết đâu, một ngày nào đó sẽ thấy anh hoặc một Lý Hoàng Nam khác “bay lên” trên bầu trời ATP, làm rạng danh cho tennis Việt.

Chuyên đề