Lường trước các thách thức đối với tăng trưởng 2017

(BĐT) - Mặc dù tăng trưởng kinh tế năm 2016 chỉ đạt 6,21% nhưng nhiều chuyên gia vẫn tin tưởng rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017 mà Chính phủ đặt ra là khả thi. Việc quyết tâm giữ mục tiêu tăng trưởng không giảm trong 2 năm (2016 - 2017) được đánh giá là bước chuyển trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Môi trường đầu tư, kinh doanh trong các năm sau sẽ tốt hơn nữa. Ảnh: Đức Thanh
Môi trường đầu tư, kinh doanh trong các năm sau sẽ tốt hơn nữa. Ảnh: Đức Thanh

Mục tiêu cao là cần thiết

Số liệu tăng trưởng kinh tế năm 2016 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2016 ước tính tăng 6,21% so với năm 2015. Mặc dù thấp hơn kế hoạch do Quốc hội đề ra (là 6,7%), nhưng mức tăng trưởng này vẫn được đánh giá là thành công khi bối cảnh kinh tế thế giới không thuận, trong nước gặp nhiều khó khăn. Quan trọng hơn cả, kinh tế vẫn giữ được xu thế tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước với quý I tăng 5,48%, quý II tăng 5,78%, quý III tăng 6,56%, quý IV tăng 6,68%.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê bày tỏ quan điểm đồng tình và đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành, quyết tâm của Chính phủ thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong năm 2016. Dù biết rất khó khăn, không thể đạt được mục tiêu 6,7%, nhưng Chính phủ vẫn không điều chỉnh kế hoạch, không phải cứ không đạt kế hoạch là điều chỉnh để cuối năm lại đánh giá là đạt kế hoạch. “Đây là một bước chuyển trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Việc đặt mục tiêu tăng trưởng cao là cần thiết vì gắn với giải quyết việc làm, đời sống dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô…” -ông Lâm đánh giá.

Với mục tiêu tăng trưởng năm 2017 tiếp tục được đặt ra là 6,7% trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng, mức tăng trưởng như vậy là bình thường, thậm chí khá khiêm tốn so với tốc độ tăng “năm sau cao hơn năm trước” của kinh tế nước ta. 

Năm 2017: Thuận lợi và thách thức đan xen

Để đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2017, Chính phủ cần lường trước những thách thức sẽ gặp phải, từ đó có những chỉ đạo, điều hành quyết tâm, đúng hướng.
Đại diện của Tổng cục thống kê cho rằng, chúng ta có nhiều yếu tố thuận lợi, là cơ sở để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017, nhưng đi cùng với đó cũng có không ít  khó khăn, thách thức.

Theo đó, kinh tế Việt Nam có tín hiệu tích cực, thể hiện ở 110,1 nghìn doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới trong năm 2016, số DN quay trở lại hoạt động lên tới 26.689. Điều này cho thấy khung khổ pháp lý và các giải pháp của Chính phủ trong việc hỗ trợ, khuyến khích DN phát triển đã phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, với những nghị quyết của Chính phủ về tăng cường giải ngân của nền kinh tế, tạo dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính… thì môi trường đầu tư, kinh doanh trong các năm sau sẽ tốt hơn nữa.

Cùng với đó, hoạt động trong các ngành dịch vụ có chiều hướng tăng cao so với năm trước. Đó là những điểm sáng mà kinh tế Việt Nam cần tiếp tục phát huy trong năm 2017. “Còn quá sớm để nhận định kinh tế Việt Nam đạt hay không đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2017”, ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định.

Song, ông Lâm cảnh báo, để đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2017, Chính phủ cần lường trước những thách thức sẽ gặp phải, từ đó có những chỉ đạo, điều hành quyết tâm, đúng hướng. Một trong những thách thức mà chúng ta phải đối mặt là kinh tế thế giới phục hồi chậm, chưa thuận lợi cho tăng trưởng trong khi kinh tế Việt Nam lại có độ mở cao, phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, vẫn có những cảnh báo về môi trường, về đầu tư… có thể tác động đến kinh tế Việt Nam.

Ở góc nhìn của mình, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định, mức tăng trưởng đặt ra cho năm 2017 là khá cao nhưng không phải là ảo tưởng. Mục tiêu này được đặt ra dựa trên một số nhân tố tích cực, từ chỉ số tăng trưởng năm nay khá gần với chỉ số kế hoạch, những cản trở đối với tăng trưởng năm 2016 sẽ được giảm bớt trong năm sau, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và đầu tư công.

Cùng với đó, động lực tăng trưởng cũ được kỳ vọng khai thông thêm, từ môi trường đầu tư, DN đầu tư nước ngoài, hoạt động của khu vực du lịch, ngân hàng. Đặc biệt, năm sau kinh tế Mỹ dự báo tăng trưởng mạnh hơn nên xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và các nước gần Mỹ sẽ tốt hơn. Nông nghiệp công nghệ cao được quan tâm nhiều hơn, tạo ra tác động tích cực cho lĩnh vực nông nghiệp trong năm sau.

Chuyên đề