Lời giải cho bài toán tăng năng suất lao động

(BĐT) - Ngay từ đầu thế kỷ XX, V. I. Lê Nin đã từng nói đại ý rằng, quyết định sự hơn thua chính là năng suất lao động. Rõ ràng, tăng năng suất lao động vừa là nguyên nhân cốt lõi của phát triển kinh tế - xã hội, vừa là kết quả phản ánh trình độ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Còn ở Việt Nam…?
Cần chuyển dịch cơ cấu lao động sang những ngành nghề có năng suất lao động cao, tạo ra những sản phẩm hàng hoá dịch vụ có giá trị gia tăng lớn. Ảnh: Minh Khuê
Cần chuyển dịch cơ cấu lao động sang những ngành nghề có năng suất lao động cao, tạo ra những sản phẩm hàng hoá dịch vụ có giá trị gia tăng lớn. Ảnh: Minh Khuê

Bất ngờ!

Cuối năm 2017, Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố, năng suất lao động của Việt Nam tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN, song mức năng suất của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực.

Cụ thể, tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và thậm chí chỉ bằng 87,4% năng suất lao động của Lào… Và chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước trong khu vực tiếp tục gia tăng.

Cả các cơ quan chức năng, cả xã hội và giới truyền thông đều giật mình với hàng loạt câu hỏi “lẽ nào?”. Lẽ nào năng suất lao động của chúng ta thấp đến vậy? Lẽ nào sau bao năm tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao hàng đầu khu vực chúng ta vẫn dậm chân ở vị trí áp chót về năng suất lao động trong khu vực, thậm chí còn thua cả Lào và sắp tới có thể thua cả Campuchia nữa? Lẽ nào người Việt với đặc điểm cần cù, khéo léo, thông minh lại thua sút so với người lao động ở mấy nước xung quanh chứ chưa nói đến ở các nước công nghiệp phát triển xa đến vậy? Làm thế nào để thu hẹp khoảng cách về năng suất lao động và bao giờ chúng ta mới không còn phải buồn và xấu hổ vì năng suất lao động lại thấp tới mức thậm tệ như vậy?... 

Bình tĩnh nhìn lại

Sau cơn choáng váng với hàng loạt câu hỏi tại sao, lẽ nào, như thế nào…, cả giới chuyên môn lẫn toàn xã hội dần bình tĩnh trở lại hầu mong tìm ra con đường tăng năng suất lao động cho Việt Nam. Có thể nói không ngoa năm 2018 chính là Năm Năng suất lao động của nước ta. Hàng loạt hội thảo, hội nghị, công trình nghiên cứu, bài báo, phát biểu… xoay quanh chủ đề năng suất lao động. Tăng năng suất lao động, đổi mới sáng tạo, đào tạo lao động trình độ cao, đầu tư công nghệ hiện đại… được đặt trên bàn nghị sự từ cấp cao nhất tới tận từng cơ quan, từng doanh nghiệp, thậm chí được bàn luận sôi nổi tại các quán nước vỉa hè.

Trước hết, năng suất lao động hiện thấp xa so với khu vực và thế giới đó không phải là năng suất của mỗi người lao động hay thậm chí mỗi nhóm lao động như chúng ta vẫn hiểu, mà là năng suất lao động xã hội.

Có thể khẳng định, năng suất của người lao động Việt Nam nếu đặt trong điều kiện lao động tương đương thì không hề thua kém năng suất người lao động ở bất kỳ nơi nào tiên tiến trên thế giới. Bằng chứng là từ các nhà khoa học, các chuyên gia, kỹ sư bác sỹ đến công nhân và cả người lao động phổ thông Việt Nam đều được đánh giá cao về năng lực và khả năng làm việc. Ngay tại Việt Nam, năng suất của người lao động cũng không hề thấp khi ngày càng nhiều tập đoàn xuyên quốc gia chuyển hoạt động sản xuất kinh doanh sang nước ta nhằm tận dụng nguồn lao động dồi dào đáp ứng tốt yêu cầu về trình độ, năng lực và năng suất lao động.

Năng suất lao động xã hội là một chỉ tiêu thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia của nước ta và được đo bằng GDP tính bình quân trên một lao động đang làm việc trong năm. Theo đó, mặc dù GDP năm 2018 đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong một thập kỷ qua, tăng tới 7,08%, song quy mô GDP của Việt Nam năm 2018 theo giá hiện hành cũng chỉ được 5.535,3 nghìn tỷ đồng, nên GDP bình quân đầu người chỉ được 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017. Với quy mô dân số và lao động đứng trong top 15 thế giới còn quy mô GDP đứng hạng 60 - 70 toàn cầu thì năng suất lao động xã hội thấp so với khu vực và thế giới là bình thường.

Thứ đến, năng suất lao động của Việt Nam vẫn tăng đều đặn với tốc độ thuộc hàng cao nhất trong khu vực nhưng khoảng cách năng suất lao động xã hội về số tuyệt đối vẫn giãn rộng hơn do xuất phát điểm của chúng ta quá thấp. Thêm vào đó, nguy cơ “bẫy thu nhập trung bình” vẫn hiển hiện.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Lao động quốc tế, Việt Nam có mức tăng năng suất lao động nhanh nhất ASEAN, song chênh lệch với các nước vẫn ngày càng nới rộng. Năm 2017, năng suất lao động của Việt Nam gấp 2 lần năng suất lao động trung bình của nhóm nước thu nhập thấp, bằng hơn 50% nhóm nước thu nhập trung bình thấp và bằng 18,3% nhóm các nước thu nhập trung bình cao. Trong khi đó, khả năng tăng trưởng GDP tới 9 - 10% mỗi năm là khó khả thi và nếu có thì sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn. Lựa chọn chuyển dịch cơ cấu lao động sang những ngành nghề có năng suất lao động cao, tạo ra những sản phẩm hàng hoá dịch vụ có giá trị gia tăng lớn dường như là lựa chọn hợp lý nhất. 

Đi tìm lời giải

Số liệu mới nhất của TCTK cho thấy, tính chung cả năm 2018, lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc là 54,3 triệu người, trong đó 38,1% (giảm 2,1% so với 2017) làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, 26,6% ở khu vực công nghiệp và xây dựng (tăng 0,8%), 35,3% ở khu vực dịch vụ (tăng 1,3%).

Từ những số liệu nêu trên, có thể thấy, lời giải đầu tiên và quan trọng nhất cho bài toán năng suất chính là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm tỷ trọng lao động đang làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, đồng thời tăng tỷ trọng lao động làm việc trong các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ hiện đại như tài chính, tín dụng, du lịch…

Thứ hai, cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tốc phát triển khoa học - công nghệ gắn với tăng năng suất lao động, đặc biệt trong khu vực doanh nghiệp, thông qua nâng cao năng lực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; khắc phục tình trạng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu là hoạt động sơ chế, gia công có hàm lượng giá trị gia tăng thấp. Đổi mới công nghệ phải đi đôi với nâng cao chất lượng lao động khi mà ở thành thị, lao động được đào tạo cũng mới có 36,3%, còn ở nông thôn chỉ có 12,6%.

Thứ ba, đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cải cách chính sách tiền lương, tiền công theo nguyên tắc thị trường, phù hợp giữa tăng tiền lương và tăng năng suất lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển,

Hy vọng từ năm 2019 Việt Nam sẽ bước vào kỷ nguyên năng suất lao động với sự gia tăng mạnh mẽ năng suất lao động của mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp, tổ chức và toàn xã hội.

Chuyên đề