Làm rõ trách nhiệm giữa các bộ và địa phương đối với hạt cát trên sông

(BĐT) - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa yêu cầu các lực lượng chức năng mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm khai thác cát trái phép, đồng thời các bộ trên cơ sở chức năng của mình cần tạm dừng cấp phép xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu từ các dự án xã hội hoá.
Ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản, Bộ Tài nguyên & Môi trường
Ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản, Bộ Tài nguyên & Môi trường

Phóng viên Báo Đấu thầu đã có trao đổi với ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản, Bộ Tài nguyên & Môi trường liên quan đến giải quyết những bất cập trong mối quan hệ giữa các bộ, địa phương liên quan đến hạt cát trên sông.

Thưa ông, tình trạng khai thác cát trái phép hiện nay đang được “núp bóng” dưới hình thức là nạo vét, khơi thông luồng lạch. Trong khi đó, thực tế lâu nay, những dự án khơi thông luồng lạch đều do Bộ GTVT cấp phép. Điều này gây ra những bất cập gì cho công tác quản lý?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật Khoáng sản, thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (trong đó có cát) thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh.

Tuy nhiên, công tác duy tu luồng, nạo vét ở cửa sông, cửa biển là công tác mang tính chất chuyên môn cần phải làm của Bộ GTVT. Trong quá trình duy tu đó, khi gặp cát thì theo quy định của Luật Khoáng sản thì tổ chức, cá nhân thực hiện được phép thu hồi.

Nhưng điều quan trọng là thu hồi như thế nào và mục tiêu như thế nào. Theo tôi, đã là duy tu thì bản chất phải là duy tu để con đường thủy đó được khơi thông, đi được, đảm bảo giao thông thủy chứ không phải mục tiêu là khai thác cát. Bản chất của duy tu khi đó phải đảm bảo yêu cầu, chuẩn tắc thiết kế của giao thông.

Quan điểm của Bộ TN&MT là nếu tổ chức, cá nhân không thực hiện dự án đúng theo thiết kế thi công nạo vét của ngành GTVT, vi phạm các quy định của pháp luật về khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường, gây sạt lở bờ sông làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công trình đê kè; không đăng ký khối lượng nạo vét để UBND tỉnh kiểm tra, giám sát; không thực hiện nghĩa vụ về thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản... thì phải kiên quyết buộc dừng dự án.

Tuy nhiên, để giải quyết việc này thì phải hài hòa nhiều mối quan hệ, không chỉ mối quan hệ giữa giao thông và chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản trong đó có vật liệu xây dựng thông thường là cát sỏi lòng sông của UBND tỉnh, mà còn là mối quan hệ giữa các bộ, ngành khác liên quan. Ví dụ như Bộ TN&MT liên quan đến quản lý tài nguyên nước, bảo đảm về bến bãi, bờ sông, đáy sông, công tác bảo vệ môi trường, hoạt động khoáng sản; Bộ NN&PTNT với việc đảm bảo các công trình thủy lợi; Bộ GTVT với ngành giao thông đường thủy; công an đường thủy để đảm bảo hoạt động chuyên môn. Như vậy, vấn đề không đơn giản là mối quan hệ giữa Bộ GTVT và UBND tỉnh mà chúng ta sẽ phải giải quyết rộng hơn.

Bộ TN&MT đã đề xuất với Chính phủ cho phép xây dựng Thông tư về quản lý cát sỏi lòng sông để thực hiện Nghị định 158/2016 ngày 29/11/2016 của Chính phủ hướng dẫn Luật Khoáng sản. Dự kiến, trong năm nay thì Bộ sẽ ban hành Thông tư này.

Vậy, Thông tư về quản lý cát sỏi lòng sông sẽ giải quyết việc DN núp dưới bóng duy tu đường thủy để nạo vét cát như thế nào?

Thông tư này hiện đang xây dựng đề cương và chắc chắn sẽ có thực địa tại một số địa phương, tổ chức hội thảo lấy ý kiến vì thực chất Thông tư này giúp địa phương quản lý cát, sỏi tốt hơn.

Đầu tiên, Thông tư hướng tới giải quyết mối quan hệ giữa các bộ liên quan đến hạt cát trên sông gồm Bộ TN&MT với tư cách là bộ quản lý đa lĩnh vực, đặc biệt liên quan đến đa dạng sinh học, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, môi trường; chức năng quản lý nhà nước của Bộ GTVT trong đó là giao thông thủy; Bộ NN&PTNT liên quan đến an toàn đê điều và các công trình thùy lợi, UBND tỉnh liên quan đến trách nhiệm quản lý của họ quy định tại Luật Khoáng sản… Thông tư sẽ làm rõ trách nhiệm và mối quan hệ giữa các bộ, địa phương.

Bên cạnh đó, sẽ giải quyết trách nhiệm quản lý nhà nước của các địa phương đối với từ khâu lập quy hoạch, thăm dò, cấp phép khai thác đến thanh tra, kiểm tra; đặc biệt là mối quan hệ của các địa phương ở các địa phận giáp ranh của các con sông, sự phối hợp giữa các cấp chính quyền địa phương trong khâu lập quy hoạch, cấp phép, thanh tra, kiểm tra. Bởi thực tế, địa phương này cấp quyền khai thác cát nhưng địa phương kia không cấp nhưng không có nghĩa là địa phương đó không bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác cát.

Ngoài ra là vấn đề liên quan tới công tác thanh tra. Bởi đặc điểm của hoạt động khai thác trái phép cát là sự linh hoạt của các phương tiện khi họ có thể làm việc suốt ngày đêm, di chuyển từ địa phương này đến địa phương khác. Nên mối quan hệ, trách nhiệm của địa phương liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra sẽ phải được đặt ra và giải quyết

Trong quy định về việc quản lý tài nguyên nước sẽ phải thực hiện quản lý theo lưu vực sông, có nghĩa là khi đánh giá tác động của công tác quản lý, cấp phép khai thác cát thì phải đánh giá theo lưu vực sông. Khi đó đánh giá tác động không chỉ đơn thuần liên quan đến 1 địa phương mà còn nhiều địa phương trên lưu vực sông đó. Nên Thông tư này sẽ phải cố gắng giải quyết những vấn đề đó.

Trong kế hoạch thanh tra năm 2017, Tổng cục Địa chất và khoáng sản có đưa nội dung thanh tra, kiểm tra khai thác cát không?

Kế hoạch thanh tra đã được Bộ trưởng Bộ TN&MT phê duyệt từ tháng 11/2016. Theo kế hoạch, sẽ tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác cát theo giấy phép cũng như thu hồi cát từ một số dự án nạo vét tại 6 địa phương trên toàn quốc, trong đó có Phú Thọ, Vĩnh Phúc…

Nội dung thanh tra sẽ tập trung đối với trường hợp có giấy phép thì sẽ thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của Luật Khoáng sản của tổ chức, cá nhân đã có giấy phép. Đối với nạo vét thì phải phối hợp thêm với ngành giao thông, chính quyền địa phương, công an môi trường, đường thủy vì đối tượng khác với trường hợp có giấy phép. Khi đó, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra việc DN thực hiện chuẩn tắc thiết kế hay không? Việc thực hiện các nghĩa vụ trong đó có đăng ký khối lượng thu hồi cát nạo vét với chính quyền địa phương và công tác giám sát của cấp có thẩm quyền xem việc có đảm bảo chuẩn tắc thiết kế hay không?

Nếu có sẽ xử phạt theo thẩm quyền tại Nghị định 142/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản thuộc thẩm quyền của mình thì Bộ TN&MT sẽ phải xử lý như: không đăng ký khối lượng, vấn đề liên quan đến phạm vi trong khu vực nạo vét.

Khi phối hợp với Bộ GTVT thì những gì thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT thì Bộ TN&MT sẽ đề xuất họ xử lý theo đúng thẩm quyền.

Chuyên đề