Lạm phát nửa cuối năm sẽ chịu áp lực lớn

(BĐT) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2016 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, CPI tháng 6/2016 tăng 0,46% so với tháng trước, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, tăng 2,35% so với tháng 12 năm trước. Mức tăng này chủ yếu do tác động của các quyết định hành chính thông qua việc tăng giá của một số mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý.
Giá xăng dầu đẩy CPI tháng 6/2016 tăng mạnh. Ảnh: Lê Tiên
Giá xăng dầu đẩy CPI tháng 6/2016 tăng mạnh. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều yếu tố tác động trong 6 tháng cuối năm

Tổng cục Thống kê cho biết, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính thì có tới 10 nhóm hàng tăng giá, trong đó, nhóm giao thông tăng cao nhất ở mức 2,99%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,55%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,21%... Chỉ có nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,06%.

Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá thuộc Tổng cục Thống kê cho biết, có 5 nguyên nhân làm CPI tháng 6/2016 tăng. Cụ thể, giá xăng tăng vào ngày 4/6 dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 0,46% so với tháng trước; chỉ số nhóm thực phẩm tăng 0,36% do ảnh hưởng bởi tâm lý người tiêu dùng lo ngại về hiện tượng cá chết hàng loạt tại một số tỉnh miền Trung nên có phần dè dặt khi tiêu dùng sản phẩm cá đánh bắt, chuyển sang tiêu dùng thịt gia súc, gia cầm; nhu cầu dùng điện tăng cao do nắng nóng làm chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,27%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,14% do nhu cầu xây dựng tăng cao; nhu cầu du lịch khi học sinh nghỉ hè tăng làm chỉ số giá nhóm du lịch trọn gói tăng.

Mặc dù nhận định tốc độ tăng CPI trong 6 tháng đầu năm tương đối thấp, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá vẫn cho rằng, từ nay đến hết năm 2016, một số yếu tố như giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục, giá xăng dầu sẽ gây áp lực lên CPI.

Bà Ngọc cho biết, theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC, đã có một đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế vào tháng 3 vừa qua, lộ trình tăng vào tháng 7 sẽ được điều chỉnh theo các đợt, theo các tỉnh và được “chia” ra vào các tháng 8,10,11,12. Cùng với đó, dịch vụ giáo dục sẽ tăng từ tháng 9 tới, khi bắt đầu năm học mới; giá xăng dầu có dấu hiệu tăng trở lại từ tháng 3/2016.

Phí qua các trạm BOT gián tiếp phản ánh vào CPI

Phí giao thông đường bộ chỉ được tính gián tiếp thông qua giá cước vận chuyển của các hãng vận tải. Nên ở mức độ nào đó, giá phí giao thông đường bộ nếu tăng quá cao thì sẽ có ảnh hưởng tới CPI.
Trong 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có mức tăng trong tháng 6/2016, chỉ số giá nhóm giao thông tăng cao nhất, chủ yếu ở mặt hàng xăng dầu và vé tàu hỏa.

Theo đó, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng vào các ngày 20/5/2016 và 4/6/2016 dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 6,46% so với tháng trước; vé tàu hỏa tăng 2,51%; giá vé ô tô tăng 0,32% so với tháng trước do tháng 6 là kỳ nghỉ hè nên nhu cầu đi lại của người dân tăng.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra vào đầu tháng 6/2016, các thành viên Chính phủ đã cho ý kiến vào Báo cáo kết quả hoạt động của Ban chỉ đạo điều hành giá năm 2015, 4 tháng đầu năm 2016 và phương hướng điều hành giá năm 2016... Sau khi lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có kết luận quan trọng, đó là không tăng giá bán lẻ điện, phí đường bộ các dự án BOT và một số mặt hàng khác, tránh gây áp lực lên CPI năm nay.

Để giải quyết hài hòa vấn đề tăng phí đường bộ của các dự án BOT, trả lời báo chí gần đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường thông tin, Bộ sẽ nghiên cứu và có thể đưa ra lộ trình tăng phí nhiều lần theo CPI, nhưng quá trình và mức độ tăng phí sẽ được chia nhỏ để phù hợp với điều kiện doanh nghiệp.

Song, tại buổi họp báo công bố chỉ số giá tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2016 vừa được Tổng cục Thống kê tổ chức, bà Đỗ Thị Ngọc cho biết, phí giao thông đường bộ nói chung và phí qua các trạm BOT nói riêng hiện chưa được tính “trực tiếp” vào rổ hàng hóa để tính CPI, bởi trong rổ hàng hóa mới gồm 573 mặt hàng, không có mặt hàng phí giao thông đường bộ, mà chỉ có giá vé xe buýt, xe taxi, giá vé dịch vụ máy bay, tàu hỏa… Phí giao thông đường bộ chỉ được tính gián tiếp thông qua giá cước vận chuyển của các hãng vận tải. Nên ở mức độ nào đó, giá phí giao thông đường bộ nếu tăng quá cao thì sẽ có ảnh hưởng tới CPI.

Chuyên đề