Lạm dụng vay nợ sẽ thành gánh nặng cho tương lai

(BĐT) - Với một nước đang phát triển như Việt Nam, vay nợ có thể xem là một công cụ cần thiết để tài trợ vốn, đáp ứng nhu cầu đầu tư và khuyến khích phát triển sản xuất. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Tuy nhiên, nếu lạm dụng việc vay nợ và sử dụng thiếu thận trọng nguồn tài chính này thì các khoản nợ sẽ thành một gánh nặng cho tương lai, khiến sự bền vững của nền kinh tế bị đe dọa. 

Áp lực nợ công tăng mạnh

Theo báo cáo nghiên cứu “Đánh giá Luật Quản lý nợ công tại Việt Nam và một số hàm ý chính sách” vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam những năm gần đây có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt kể từ năm 2011. Cụ thể, chỉ trong vòng 5 năm từ năm 2011 đến năm 2015, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đã tăng khoảng 12,2 điểm phần trăm, từ 50% lên đến 62,2%.

Tới cuối năm 2016, nợ công ước tính đã lên tới 63,7% GDP. Với tốc độ tăng liên tục khoảng 5% mỗi năm như trong giai đoạn 2011 - 2016, mức trần nợ công 65% GDP do Quốc hội đặt ra có thể sẽ bị phá vỡ trong thời gian tới.

Dẫn số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Nhóm nghiên cứu của VEPR cho biết, so với các quốc gia còn lại trong khu vực cũng như so với các nhóm quốc gia mới nổi và đang phát triển trên thế giới, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đã gia tăng mạnh mẽ, từ vị trí thấp nhất giai đoạn từ 2000 - 2005 vươn lên đứng đầu trong năm 2016 với nợ công ước tính lên tới 63,7% GDP.

Đáng lưu ý, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc thâm hụt ngân sách cao triền miên, một phần bắt nguồn từ sự kém hiệu quả trong việc sử dụng nguồn vốn vay, đặc biệt ở khu vực kinh tế nhà nước, gây ra những thách thức rất lớn đối với việc kiểm soát nợ công trong giới hạn cho phép.

Bên cạnh đó, thâm hụt ngân sách tạo ra sức ép đối với nguồn trả nợ trong ngân sách nhà nước, dẫn đến tình trạng đảo nợ ngày càng gia tăng. Theo Chương trình quản lý nợ trung hạn giai đoạn 2016 - 2018 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 4 vừa qua, lượng vay để trả nợ gốc trong năm 2016 là 132,4 nghìn tỷ đồng, năm 2017 khoảng 144 nghìn tỷ đồng. 

Tăng hiệu quả quản lý, sử dụng nợ vay

Với chiều hướng gia tăng quy mô và tính rủi ro của nợ công như hiện nay, quản lý nợ công đang là một trong những vấn đề được quan tâm nhất đối với các nhà hoạch định chính sách, giới học thuật cũng như dư luận tại Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) đã được xây dựng nhằm bổ sung, điều chỉnh và khắc phục các hạn chế của Luật hiện hành. Nhóm tác giả cho rằng, cần đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật Quản lý nợ công với Luật Ngân sách nhà nước (ban hành vào năm 2015, có hiệu lực từ năm 2017) và Luật Đầu tư công (ban hành vào năm 2014, có hiệu lực từ năm 2015), bên cạnh đó cũng cần đảm bảo sự liên hệ chặt chẽ của luật này với Luật Doanh nghiệp và Luật Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, cần cải thiện việc thống kê, quản lý và công bố thông tin về nợ công theo hướng tăng tính công khai, minh bạch, hệ thống, đầy đủ, trung thực, khách quan, chính xác và cập nhật. Đặc biệt, cần quy định cụ thể về biểu mẫu báo cáo thống kê nợ công, thời hạn công bố thông tin và mức độ cập nhật của số liệu công bố nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quản lý và đánh giá về tình hình nợ công.

Mặt khác, đối với quản lý rủi ro bảo lãnh của Chính phủ, cần có cơ chế theo dõi và hạn chế tối đa tình trạng ngân sách phải trả nợ thay hoặc bảo lãnh nợ cho các khoản doanh nghiệp nhà nước tự vay tự trả khi các doanh nghiệp này phá sản. Thực hiện các biện pháp siết bảo lãnh nợ và tăng tính công khai, minh bạch trong việc bảo lãnh nợ.      

Chuyên đề