Lạc quan về triển vọng thị trường việc làm tại Việt Nam

(BĐT) - Theo kết quả khảo sát vừa được Công ty JobStreet.com Việt Nam công bố, triển vọng thị trường việc làm tại Việt Nam được nhìn nhận khá tích cực từ cả 2 phía là người lao động và nhà tuyển dụng. Đây được cho là một tín hiệu đầy lạc quan so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Lạc quan về triển vọng thị trường việc làm tại Việt Nam

Báo cáo khảo sát 8.105 người lao động và 2.964 nhà tuyển dụng từ nhiều ngành nghề khác nhau tại 6 nước như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thailand, Philippines và Việt Nam.

Theo JobStreet.com, mặc dù nền kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng vững mạnh. Triển vọng phát triển trung hạn của nền kinh tế Việt Nam khá thuận lợi. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng GDP năm 2017 dự kiến đạt 6,3% (Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á Thái Bình Dương công bố ngày 13/4/2017).

Trong số những nhà tuyển dụng trả lời khảo sát của JobStreets, có tới 68% công ty tại Việt Nam dự định sẽ tăng nhân sự trong năm 2017 và không có công ty nào có kế hoạch ngừng tuyển dụng trong năm 2017. Trong khi đó, có đến 20% công ty tại Singapore có kế hoạch ngừng tuyển dụng trong năm nay, đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Đối với các cấp bậc cần tuyển dụng, 37% nhà tuyển dụng Việt Nam nhận định, việc tuyển dụng các vị trí quản lý là khó nhất, tiếp đó là nhân viên có kinh nghiệm từ 1 - 4 năm.

Trong số các ngành nghề có nhìn nhận tích cực về triển vọng thị trường việc làm, ngành công nghiệp sản xuất có kết quả đánh giá tích cực nhất. Lý giải điều này, các chuyên gia của JobStreets cho rằng, đó là do Việt Nam đang tiếp tục có sự gia tăng đột biến về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất. Tiếp đó là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, xây dựng, viễn thông, tài chính...

Người lao động với chuyên ngành quảng bá kinh doanh và tiếp thị được xếp hạng có triển vọng nghề nghiệp tích cực nhất năm 2017. Nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra là do nhu cầu nội địa tăng dẫn đến tăng trưởng kinh tế. Xếp hạng thứ hai là các lao động hoạt động trong chuyên ngành phát triển phần mềm và kinh doanh công nghệ. Việt Nam đang được xem như một trung tâm công nghệ đang phát triển, và điều này sẽ làm tăng nhu cầu tuyển dụng các ứng viên trong lĩnh vực điện toán đám mây, dữ liệu lớn, thương mại điện tử và bảo mật thông tin... Tiếp đó là lĩnh vực y tế, ngành viễn thông... Cùng với xu hướng tăng trưởng tích cực của các ngành nghề trên thì mức độ cạnh tranh cũng sẽ khốc liệt hơn.

Trước thực trạng này, bà Angie Phang – Tổng giám đốc của Công ty JobStreeet.com Việt Nam cho rằng: “Với nguồn lao động giới hạn và cơ hội việc làm tăng, hình ảnh của công ty là quan trọng hơn bao giờ hết. Lan truyền một hình ảnh tích cực là thiết yếu và mạng xã hội là công cụ phổ biến, nhanh nhất”.

Chuyên đề