Kinh tế tiếp tục đà hồi phục tích cực

(BĐT) - Tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2017 được dựa trên những nền tảng bền vững, song các chuyên gia cũng lưu ý một số vấn đề cần quan tâm để kinh tế Việt Nam tiếp tục đà phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng 6,7% trong năm 2017.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Dựa trên những nền tảng bền vững

Nhìn vào bức tranh kinh tế 9 tháng 2017, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, tăng trưởng kinh tế có nhiều dấu hiệu đáng mừng. Về nguồn cung, chúng ta đang đẩy mạnh sản xuất, nâng cao giá trị sản lượng một số mặt hàng làm tăng nguồn cung cho nền kinh tế. Về phía cầu thì cả cầu nội địa, xuất khẩu, dịch vụ đều tăng cao. Những chỉ số khác của nền kinh tế vĩ mô cũng vì đó mà được cải thiện, như thu ngân sách, cân đối ngân sách, chỉ số nợ công, thâm hụt ngân sách... được cải thiện.

Hơn nữa, ở mức độ nào đó, môi trường kinh doanh của Việt Nam đang cải thiện để hướng đến phát triển bền vững. Chính phủ làm rất nhiều việc cho doanh nghiệp (DN), từ đây giúp gia tăng lợi nhuận cho DN, thúc đẩy cạnh tranh. Đặc biệt, theo ông Cung, sắp tới đây, động lực cải cách còn mạnh mẽ hơn nữa, nhất là khi Bộ Công Thương tuyên bố cắt bỏ 675 điều kiện kinh doanh bất hợp lý sẽ tạo ra những động lực mới cho phát triển. Nếu các bộ khác cũng làm như vậy thì hành động này sẽ mang tính cộng hưởng rất lớn cho nền kinh tế.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Đặng Đức Anh, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia nhìn nhận, đúng là tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang dựa vào các yếu tố bền vững khi tăng trưởng có sự đóng góp đáng kể của lĩnh vực nông nghiệp, trong khi đó công nghiệp chế biến, dịch vụ bán lẻ cũng tăng trưởng khá. “Đây là những yếu tố mang tính chủ động của nền kinh tế”, vị chuyên gia này nhận xét.

Báo cáo tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2017 của Bộ Công Thương vừa công bố chỉ rõ, tăng trưởng sản xuất công nghiệp ngày càng được cải thiện, 9 tháng đầu năm 2017 chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (tăng 0,5 điểm phần trăm), đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP. 

Còn đó những lưu ý

Dự báo về tăng trưởng kinh tế trong quý IV và cả năm 2017, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, 3 tháng cuối năm 2017, kinh tế Việt Nam tiếp tục đà phục hồi tích cực do những cải thiện về môi trường đầu tư, kinh doanh, triển vọng hội nhập kinh tế quốc tế và hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục khởi sắc. Tiếp đà phục hồi mạnh của quý II và quý III/2017, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế trong quý IV sẽ đạt khoảng 7,5-7,7%, giúp tăng trưởng cả năm có thể đạt trên 6,7%. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, tăng trưởng kinh tế chỉ thực sự bền vững khi dựa trên những nền tảng bền vững. Dù tăng trưởng kinh tế quý III/2017 khá tốt, nhưng có thể nói một phần tăng trưởng này vẫn dựa vào khu vực FDI.

Đối với sự tăng trưởng bền vững của ngành công nghiệp, TS. Đặng Đức Anh bày tỏ: “Chừng nào chúng ta vẫn chỉ mặt, điểm tên được tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp chỉ do một vài doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI, chứng tỏ cơ cấu ngành công nghiệp vẫn có vấn đề”. Bởi theo vị này, tăng trưởng của ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung sẽ có độ rủi ro khi các DN lớn này thay đổi phương án sản xuất kinh doanh, xa hơn là không tốt cho cạnh tranh.

Về chính sách tiền tệ, TS. Đặng Đức Anh cho rằng, điều chỉnh tăng trưởng tín dụng từ 18% tăng lên 21% năm nay không thành vấn đề, nhưng quan trọng là chất lượng tăng trưởng tín dụng như thế nào, dòng vốn này đổ vào đâu mới là điều quan trọng. “Tăng trưởng tín dụng quá cao lại không được kiểm soát chặt, đổ vào phi sản xuất kinh doanh sẽ không đóng góp cho tăng trưởng, mà còn ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô”, TS. Đặng Đức Anh cảnh báo.

Một vấn đề quan trọng khác cũng được ông Cung lưu ý, trong nền kinh tế Việt Nam vẫn còn thiếu cạnh tranh, thị trường còn méo mó. Để nền kinh tế phát triển bền vững thì cạnh tranh phải nhiều lên, với cường độ mạnh hơn, thúc đẩy giải phóng được các nguồn lực trong nền kinh tế, khi đó phúc lợi xã hội từ tăng trưởng kinh tế chắc chắn sẽ gia tăng bền vững.                

Chuyên đề