Kinh tế 9 tháng: Lạc quan nhưng không chủ quan

(BĐT) - Ba phần tư chặng đường kinh tế của năm 2018 đã đi qua với những thành quả đáng mừng về mọi mặt. Song, Chính phủ khẳng định không chủ quan trước các biến động của nền kinh tế trong và ngoài nước, đồng thời, cần nhìn rõ hơn các bất cập và khó khăn. 
9 tháng năm 2018, xuất siêu đạt 5,39 tỷ USD. Ảnh: Lê Tiên
9 tháng năm 2018, xuất siêu đạt 5,39 tỷ USD. Ảnh: Lê Tiên

Ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Đây cũng là thông điệp được ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - truyền đạt tại Họp báo Chính phủ ngày 1/10. Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, kết quả đạt được tháng 9 và 9 tháng rất toàn diện. Trên cơ sở đó, chúng ta có 8/12 chỉ tiêu Quốc hội giao năm 2018 sẽ vượt, 4/12 chỉ tiêu đạt. GDP 9 tháng tăng 6,98%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011. Trong đó, cả 3 khu vực: nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều tăng cao. Đặc biệt, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,65%, là một động lực chính của tăng trưởng.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 179 tỷ USD, tăng 15,4%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 17,5%, cao hơn khu vực FDI (tăng 14,6%). Có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD. Xuất siêu đạt 5,39 tỷ USD, là kỷ lục đáng mừng.

Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,9%. Tổng cầu tăng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,3%. Trong 9 tháng, cả nước có trên 96.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới.

CPI tháng 9/2018 tăng 0,59% so với tháng trước, chủ yếu do giá dịch vụ giáo dục tăng 5,7% và đặc biệt là giá xăng dầu tăng. Sức ép lạm phát còn rất lớn, cả do nguyên nhân bên trong, bên ngoài, từ tỷ giá, lãi suất, lộ trình thực hiện giá thị trường, tăng lương, lạm phát tâm lý… Thủ tướng cho rằng, đây là vấn đề cần theo dõi chặt chẽ để xử lý kịp thời, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát đề ra.

Thủ tướng cũng lưu ý tình trạng giải ngân vốn đầu tư công tuy có cải thiện nhưng nhìn chung còn nhiều bất cập. Một số bộ quan trọng có tỷ lệ giải ngân thấp. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, trật tự an toàn xã hội, khiếu kiện đông người ở một số địa bàn diễn biến phức tạp. 

Nâng trách nhiệm giải trình về quản lý vốn nhà nước tại DN

Trả lời câu hỏi của báo chí về chức năng quản lý nhà nước của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, ông Lê Quang Mạnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Nghị định 131/2018/NĐ-CP ban hành ngày 29/9/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhằm mục đích tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của DN.

Ông Mạnh nhận định: “Vấn đề được quan tâm nhất với Ủy ban là cách thức quản lý nguồn vốn này. Ủy ban thay mặt Nhà nước giám sát khối tài sản và vốn nhà nước tại DN. Có nghĩa là, Ủy ban không sử dụng nguồn vốn này mà chỉ giám sát xem các DN sử dụng nguồn vốn này có hiệu quả không, có nguy cơ gây thất thoát không. Ủy ban không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo rõ về định hướng hoạt động của Ủy ban trong thời gian tới. Đó là, phải xây dựng thành cơ quan chuyên nghiệp, tập trung nhiệm vụ giám sát, song không phải là cơ quan hành chính”.

Do đó, ông Mạnh cho biết, khung khổ pháp lý cho hoạt động của ủy ban này được xây dựng theo hướng để Ủy ban hoạt động đúng chuyên môn và làm tốt trách nhiệm giám sát. Trước đây, việc giám sát nguồn vốn nhà nước tại các DN không được thực hiện thường xuyên và không có cơ quan chuyên trách. Do đó, với hoạt động của Ủy ban, công tác giám sát hoạt động của DN nhà nước sẽ được thực hiện thường xuyên hơn.

“Điểm đáng chú ý của khung khổ pháp lý cho hoạt động của Ủy ban là nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình, gắn trách nhiệm quản lý vốn nhà nước với cá nhân cụ thể. Chỉ khi gắn được trách nhiệm cá nhân thì mới có thể xây dựng cơ chế và cách thức hoạt động đảm bảo nguồn vốn và nguồn lực của đất nước không bị lãng phí”, ông Mạnh nói và nhấn mạnh: “Thời gian qua, thông tin về hoạt động của DN nhà nước chưa được công khai cụ thể và tường minh. Do đó, Ủy ban sẽ xây dựng lộ trình rõ ràng về ứng dụng công nghệ thông tin, mô hình sử dụng dữ liệu lớn để quản lý và giám sát hoạt động của DN nhà nước một cách thường xuyên, hiệu quả, nhưng không cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của DN”.

Chuyên đề