Kinh tế 2017 - Một năm nỗ lực và thành công

(BĐT) - Trên cơ sở kết quả 9 tháng, với nỗ lực phấn đấu trong thời gian còn lại, dự báo cả năm 2017 chúng ta đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đây là một thành công lớn của đất nước ta".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV. Ảnh: AGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV. Ảnh: AGP

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội trước Quốc hội trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV  sáng nay (23/10).

Nỗ lực cao

Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XIV sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đánh giá cao việc trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.

Chủ tịch Quốc hội nhận định, 9 tháng đầu năm, kinh tế tăng trưởng khá; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; sản xuất, xuất khẩu, du lịch đang tiếp tục tăng trưởng; Cải cách hành chính có nhiều chuyển biến, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; quan hệ đối ngoại, hợp tác, hội nhập quốc tế thu được những kết quả tốt đẹp, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên, đặc biệt với các sự kiện của Năm APEC Việt Nam 2017…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội trước Quốc hội. Ảnh: AGP

Báo cáo cụ thể hơn trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong điều kiện tình hình quốc tế và trong nước có nhiều biến động, Chính phủ đã chỉ đạo theo dõi sát, điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,41%, ước cả năm đạt 6,7%.

Giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 3,79%, ước cả năm khoảng 4%, lạm phát cơ bản khoảng 1,6%. Tín dụng 9 tháng tăng 12%, cơ cấu chuyển dịch tích cực, chất lượng được nâng lên; thanh khoản, an toàn hệ thống được bảo đảm. Mặt bằng lãi suất giảm, trong đó các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5 - 1%. Tỷ giá, thị trường vàng, ngoại tệ, giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định đã mua thêm hơn 6 tỷ USD, nâng mức dự trữ ngoại hối lên trên 45 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay...

Theo Thủ tướng, việc nền kinh tế có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, cũng như đạt tất cả các chỉ tiêu Quốc hội đề ra trong năm nay là một cố gắng lớn của Chính phủ và các cấp, các ngành trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu thô và chuyển hướng sang lấy công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ làm nòng cốt.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng nhìn nhận nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm; năng suất lao động chưa cao. Một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng thấp. Quy định pháp luật còn bất cập, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công chậm. Nợ công cao, xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đạt thấp. Phát hiện thêm nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước chậm tiến độ, hiệu quả thấp, thua lỗ, thất thoát. Tình hình sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo Thủ tướng, thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh; phối hợp công tác giữa các cấp, các ngành hiệu quả chưa cao. Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Nhiều vụ việc khiếu nại tố cáo chưa được giải quyết dứt điểm, phát sinh điểm nóng, phức tạp, phần lớn liên quan đến đất đai.

Kinh tế 2017 - Một năm nỗ lực và thành công ảnh 2

 2018 tiếp tục đặt mục tiêu ổn định vĩ mô

Kinh tế 2017 đạt được những kết quả tích cực sẽ tạo bàn đạp thuận lợi hơn cho việc thực hiện kế hoạch kinh tế năm 2018. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước sang năm sau còn nhiều diễn biến phức tạp, khó khăn và nhiều rủi ro tiềm ẩn, dư địa chính sách tiền tệ và tài khóa hạn hẹp,… cho nên năm tới sẽ cần nỗ lực nhiều hơn.

Thủ tướng cho biết, mục tiêu tổng quát của năm 2018 là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí…

Trong các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu của năm sau, sẽ thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ, siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước ở tất cả các ngành, các cấp; Triệt để tiết kiệm chi, gắn việc bố trí các dự án, nhiệm vụ chi với khả năng cân đối nguồn lực, khoán chi hành chính, sử dụng xe công...

Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ đặt ra cho các tháng cuối năm và năm sau là nặng nề, tất cả các bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2017 và hoàn thành kế hoạch năm 2018.

Một số chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 được Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước Quốc hội là: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5 - 6,7%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.

Chuyên đề