Kiểm soát giá giáo dục, y tế để đạt mục tiêu lạm phát

(BĐT) - Trong 5 năm gần đây, chỉ số giá nhóm y tế và giáo dục đã tăng rất nhanh và có tác động mạnh tới Chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Các chuyên gia kinh tế cho rằng, chỉ số giá 2 nhóm này cần phải được điều chỉnh với lộ trình hợp lý để không tác động quá lớn tới CPI hàng tháng.
6 tháng đầu năm 2016 cho thấy sự tăng tốc của CPI chủ yếu do việc tăng giá các dịch vụ y tế. Ảnh: Lê Tiên
6 tháng đầu năm 2016 cho thấy sự tăng tốc của CPI chủ yếu do việc tăng giá các dịch vụ y tế. Ảnh: Lê Tiên

Chi phối biến động của CPI

Trong rổ hàng hóa dịch vụ tính CPI hiện nay, nhóm thuốc và dịch vụ y tế chiếm 5,61%, nhóm giáo dục chiếm 5,72%. Tuy chiếm tỷ lệ khoảng 10%, song trong 5 năm trở lại đây, chỉ số giá nhóm y tế và giáo dục, trong đó đặc biệt là nhóm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục, đã tăng rất nhanh và tác động mạnh tới CPI. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, thậm chí có những giai đoạn, chỉ số 2 nhóm này hoàn toàn chi phối biến động của CPI thay vì vai trò chi phối của các chỉ số giá nhóm hàng ăn/dịch vụ ăn uống (tỷ lệ chiếm 39,93% trong rổ hàng hóa) hay nhóm giao thông (8,87%)…

Cụ thể, bắt đầu từ tháng 9/2010, chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục bắt đầu chu kỳ tăng vọt, còn chỉ số giá nhóm y tế chỉ thật sự tăng mạnh kể từ tháng 8/2012. Đến tháng 8/2010, chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 6,18% trong khi CPI tăng tương ứng tới 9,44% so với năm 2009; còn tại thời điểm tháng 12/2015, chỉ số giá nhóm giáo dục đã tăng đến 216,2% so với năm 2009 (riêng nhóm dịch vụ giáo dục tăng 231,54%).

Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế, đến tháng 7/2012 chỉ tăng 16,92% so với năm 2009. Tuy nhiên, đến tháng 12/2015, chỉ số nhóm này đã tăng 99,29% so với năm 2009 (riêng chỉ số giá dịch vụ y tế tăng 229,28%).

Như vậy, giai đoạn 2011 - 2015 được nhiều chuyên gia đánh giá là “kỷ nguyên” tăng giá dịch vụ y tế/giáo dục nói riêng, tăng giá y tế/giáo dục nói chung sau một thời gian dài 2 dịch vụ quan trọng này được vận hành theo cơ chế bao cấp.

Cẩn trọng trong những đợt tăng giá

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) khi đánh giá về CPI 6 tháng đầu năm 2016 đã thừa nhận sự tăng tốc của CPI chủ yếu do việc tăng giá các dịch vụ y tế bằng quyết định hành chính. Nếu trừ đi các yếu tố này, CPI 6 tháng đầu năm 2016 chỉ tăng khoảng 1% và một phần không nhỏ là do giá dầu phục hồi. Với đặc thù này, TS. Độ cho rằng, mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 5% trong năm 2016 gần như là chắc chắn sẽ đạt được, bởi mức độ tăng giá của các dịch vụ y tế và giáo dục hoàn toàn do Nhà nước kiểm soát 100%.

Ông Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, việc chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế/giáo dục tăng là phù hợp với lộ trình chuyển đổi từ bao cấp sang hạch toán đầy đủ và tiến gần hơn đến cơ chế thị trường. Song, cơ quan quản lý nhà nước khi hoàn toàn nắm quyền chủ động trong điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế/giáo dục thì nên hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Để bảo đảm mục tiêu kiểm soát CPI cả năm 2016 dưới 5%, TS. Vũ Đình Ánh khuyến nghị, có thể tăng giá dịch vụ giáo dục 1 lần vào tháng 9/2016 với mức tăng khoảng 10%, còn việc tăng giá dịch vụ y tế nên cân nhắc cẩn trọng hơn sau khi đã tăng sốc vào tháng 3/2016. Phương án tăng giá dịch vụ y tế (nếu có thể) nên thực hiện vào tháng 10/2016 sau khi đã có diễn biến CPI 10 tháng.

Chuyên đề