Không có xung đột Luật DNNVV “đè” lên luật khác

(BĐT) - Đã có những nghiên cứu, khảo sát rất kỹ để đảm bảo tên gọi của Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tuân thủ các cam kết quốc tế, nội dung hỗ trợ tuân thủ theo nguyên tắc thị trường. Đặc biệt, trong chính sách hỗ trợ DNNVV hướng vào trọng tâm, trọng điểm, không hỗ trợ bằng tiền, hỗ trợ một cách tràn lan.
Ban soạn thảo Dự án Luật Hỗ trợ DNNVV chia sẻ với báo chí tại Hà Nội về Luật DNNVV.
Ban soạn thảo Dự án Luật Hỗ trợ DNNVV chia sẻ với báo chí tại Hà Nội về Luật DNNVV.

Thông tin trên được Ban soạn thảo Dự án Luật Hỗ trợ DNNVV chia sẻ với báo chí tại Hà Nội xung quanh câu chuyện liên quan đến Dự thảo Luật sắp được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới đây.

Phù hợp với cam kết quốc tế

Theo ông Lê Văn Khương, thành viên Ban soạn thảo, Trưởng phòng Hỗ trợ DNNVV, Cục Phát triển DN thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Hỗ trợ DNNVV là luật khung, đưa ra các nguyên tắc để hỗ trợ DNNVV. Các quy định cụ thể sẽ được điều chỉnh ở các pháp luật chuyên ngành và giao nhiệm vụ cho Chính phủ có các cơ chế, chính sách hỗ trợ DNNVV phù hợp với từng thời kỳ. Vì vậy, không có sự xung đột pháp lý luật này đè lên 7 luật khác và “không đụng chạm” 3 luật khác liên quan đến đất đai, ngân sách và thuế. Ông Khương nói: “Nhiều đại biểu quan tâm cho rằng có Luật DN rồi, tại sao lại có Luật này nữa thì thực tế Luật DN là luật khai sinh  ra DN, còn Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ nuôi dưỡng DNNVV lớn lên”.

Trước luồng ý kiến gần đây đặt vấn đề rằng, Luật hỗ trợ DNNVV có vi phạm các cam kết quốc tế về thị trường không khi dùng từ “hỗ trợ”. Chia sẻ về nội dung này, ông Khương khẳng định, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam và Bộ Tư Pháp cũng đã có văn bản khẳng định điều này. Chúng tôi khi xây dựng Dự thảo Luật này cũng rà soát tất cả các điều khoản cam kết quốc tế, đảm bảo không vi phạm các công ước quốc tế bởi chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa được loại trừ ở các hiệp định thương mại tự do. Do đó, với việc dùng từ “hỗ trợ” trong tên gọi Dự thảo Luật không hề vi phạm các cam kết quốc tế. Các nước như Nhật Bản, Thái Lan đều có tên gọi là Luật DNNVV, Trung Quốc gọi là Luật khuyến khích DNNVV. Hơn nữa, theo vị đại diện ban soạn thảo Dự án Luật, hỗ trợ các đối tượng này hoàn toàn tuân theo nguyên tắc thị trường, trong Luật không có hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, hay bao cấp. "Hỗ trợ ở đây là chung cho các doanh nghiệp, không chỉ định cụ thể vào bất kì đơn vị nào", ông Khương nhấn mạnh.

Thông tin thêm về vấn đề này, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN cho rằng, không phải tự dưng mà có rất nhiều quốc gia, trong đó có rất nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản … vẫn có chính sách hỗ trợ DNVVV. Tại Hàn Quốc, ngoài luật khung về hỗ trợ DNNVV còn có 18 luật liên quan. Ở Nhật Bản có 20 luật khác liên quan đến hỗ trợ DNNVV như: Luật Hỗ trợ vốn đầu tư thiết bị cho DN quy mô nhỏ, Luật Phát triển DNNVV thầu phụ, Luật Xúc tiến hiện đại hóa DNNVV, Luật Xúc tiến phát triển hoạt động kinh doanh mới… “Nếu không có chính sách hỗ trợ cho DNNVV thì chắc chắn DN không thể lớn được hay nói một cách ví von hơn là như đá bóng chia rõ U20, U50… để thi đấu cạnh tranh, chứ nếu cùng một nội dung mà DNNVV  và DN lớn cùng vào thì chắc chắn DNNVV chắc chắn bị loại”, bà Thủy tâm sự.

Hỗ trợ DNNVV có trọng tâm, trọng điểm

Về nguồn lực hỗ trợ, ông Khương khẳng định, không có chuyện lấy ngân sách để hỗ trợ đều cho cả 500.000 DN trên cả nước như một số ý kiến phản ánh. Ông Khương nhấn mạnh: “Tại Dự thảo Luật, chúng tôi chọn 3 nhóm DN và các DN tiềm năng để hỗ trợ một cách có trọng tâm, trọng điểm, tránh câu chuyện bốc thuốc bổ cho người mới ốm dậy. Trọng điểm của Dự thảo Luật hướng tới sẽ là hộ kinh doanh đi lên doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp có khả năng tạo thành chuỗi liên ngành, chuỗi giá trị. Chúng tôi chỉ hỗ trợ DN nào đáp ứng đủ các tiêu chí và họ cần thiết để hỗ trợ”. Vị đại diện khẳng định: "Sẽ không bao cấp, không đưa tiền cho doanh nghiệp, không làm cho DN mãi không chịu lớn".

Bổ sung thêm nội dung này, theo bà Thủy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian qua là theo chiều rộng, DN thành lập nhiều nhưng không có công nghệ nên xuất khẩu hiện nay của Việt Nam doanh nghiệp FDI chiếm tới 70%, phần còn lại là các DN trong nước. Vì thế, để thay đổi cơ cấu tăng trưởng rõ ràng là phải trọng tâm vào phát triển DNNVV như Dự thảo Luật đề cập. Ban soạn thảo cũng cho rằng việc hỗ trợ thuế hay tín dụng theo nguyên tắc thị trường, khuyến khích ngân hàng cho DNNVV vay với lãi suất ưu đãi chứ không phải áp đặt mệnh lệnh hành chính ép các ngân hàng phải cho vay.

Trả lời câu hỏi về việc thời gian qua đã có rất nhiều chương trình, chính sách, quỹ hỗ trợ DNNV, thậm chí nhiều địa phương lập hẳn Trung tâm Hỗ trợ DN loại này nhưng hiệu quả đạt được là rất hạn chế, ông Khương cho rằng đó là do khâu thực thi pháp luật chưa tốt, thiếu nguồn lực hỗ trợ.

Nhất trí với câu trả lời của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, thời gian qua DNNVV “không lớn được” bắt nguồn từ thực tế là các chính sách hỗ trợ DNNVV nhưng DNNVV không nhận được, chỉ có DN lớn nhận được. Nguyên nhân là do hệ thống hỗ trợ theo mô tuýp DN lớn bao giờ cũng áp đảo DN nhỏ, DNNVV từ đó bị lép vế, không muốn tham gia tổ chức hội. Theo ông Nam, về mặt nguyên tắc hội là tổ chức đại diện phản ánh ý chí của hội doanh nghiệp. Nếu 1 tổ chức hội có cả DN lớn và DN nhỏ thì sẽ rất khó. Điều này cho thấy, cần phải có hỗ trợ chuyên biệt với khối DN để họ lớn lên.

Chuyên đề