Không 'báo cáo dàn trải, giải pháp chung chung' về ATGT

Khai mạc Hội nghị toàn quốc sáng 21/10, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các đại biểu không “báo cáo dàn trải, giải pháp chung chung”, đề xuất những giải pháp thiết thực để kéo giảm, kiềm chế TNGT trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu không“báo cáo dàn trải, giải pháp chung chung”, từ đó đề xuất những giải pháp thiết thực để kéo giảm, kiềm chế TNGT trong thời gian tới. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu không“báo cáo dàn trải, giải pháp chung chung”, từ đó đề xuất những giải pháp thiết thực để kéo giảm, kiềm chế TNGT trong thời gian tới. Ảnh: VGP

Sáng 21/10, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT 9 tháng, triển khai nhiệm vụ quý IV năm 2017.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nêu rõ: Đây là cuộc họp đầu tiên thực hiện theo Quyết định số 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với điểm đáng lưu ý là Ủy ban ATGT quốc gia không có Ban Thường trực như trước đây, nay chỉ có 22 thành viên Ủy ban.

Trong thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ giải pháp có tính căn cơ cả trước mắt và lâu dài với mong muốn kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT). Các bộ, ngành đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp cấp bách để kiểm soát trật tự ATGT.

Tuy nhiên, tình hình TNGT vẫn diễn biến phức tạp. TNGT đặc biệt nghiêm trọng vẫn tiếp tục xảy ra, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân, gây bức xúc trong xã hội. Ngay mới đây đã xảy ra 2 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng tại Tây Ninh và Cần Thơ. Đáng chú ý, các vụ TNGT xảy ra đều liên quan đến xe chở khách, đến “điểm đen”, đường sắt, nơi giao cắt nhau giữa đường bộ và đường sắt…

Ngoài ra, tình trạng xe dù bến cóc, xe chở quá tải trọng có xu hướng tăng mạnh và có biểu hiện coi thường pháp luật, gây mất trật tự ATGT, cạnh tranh bất bình đẳng với dịch vụ xe chở khách theo tuyến cố định, gây ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, nhất là tại TP. Hà Nội và TPHCM vẫn còn diễn biến phức tạp.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Quý III/2017 và đầu tháng 10/2017 đã xảy ra nhiều đợt mưa lũ kéo dài, cường độ lớn tại các tỉnh Tây Bắc và Bắc Trung Bộ, gây sạt lở nhiều tuyến đường, cầu cống, làm gián đoạn giao thông, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản của nhân dân.

Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, đóng góp ý kiến, nghiêm túc chỉ rõ những yếu kém và hạn chế, nhất là tình hình thực hiện các nhiệm vụ chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đối với các bất cập về hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông, xử lý các “điểm đen” về TNGT đường bộ và đường sắt, việc quản lý kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, công tác rà soát các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để thay thế Nghị định 86, kiên quyết tránh tình trạng “báo cáo dàn trải, giải pháp chung chung”, từ đó đề xuất những giải pháp thiết thực để kéo giảm, kiềm chế TNGT trong thời gian tới.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP

Báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia cho biết trong 9 tháng đầu năm 2017 (tính từ ngày 16/12/2016 đến 15/9/2017), toàn quốc xảy ra 14.346 vụ TNGT, làm chết 6.113 người, bị thương 11.785 người. So với cùng kỳ 2016, TNGT giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Có 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết vì TNGT giảm và 15 địa phương có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ 2016.

Ngoài ra, tình hình ùn tắc giao thông có diễn biến phức tạp và có dấu hiệu gia tăng, nhất là tại TP. Hà Nội và TPHCM.

Trong 9 tháng đầu năm 2017, thực hiện các Công điện của Thủ tướng Chính phủ cũng như chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, Ủy ban ATGT Quốc gia và các bộ, ngành đã chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai Năm ATGT 2017 với chủ đề “Xây dựng văn hoá giao thông trong thanh, thiếu niên” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”.

Ủy ban ATGT Quốc gia đã ban hành 15 công điện, 22 kế hoạch và trên 198 văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT, khắc phục hậu quả TNGT, ùn tắc giao thông. Bộ Công an, Bộ GTVT cùng các bộ, ngành và tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng kế hoạch về tổ chức đợt hoạt động cao điểm bảo đảm trật tự ATGT.

Trong 9 tháng đầu năm 2017, Thanh tra Bộ GTVT đã thực hiện 47 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, trong đó, tập trung vào một số chuyên đề nhằm nâng cao công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Trong 9 tháng đầu năm, lực lượng công an đã tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT theo các chuyên đề. Đã kiểm tra, xử lý gần 3,5 triệu trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền trên 2.000 tỷ đồng, tạm giữ 535.934 phương tiện.

Chuyên đề