Khai thác hiệu quả dư địa tăng trưởng

(BĐT) - Ở thời điểm gần kết thúc quý I/2018, kịch bản tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước đang được nhiều chuyên gia, tổ chức nghiên cứu kinh tế kỳ vọng. Với dư địa tăng trưởng ở một số ngành, lĩnh vực còn khá lớn, kỳ vọng sự bứt phá về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế là có cơ sở.
Thương mại quý I/2018 có thể tăng tới 40% so với cùng kỳ năm 2017. Ảnh: Lê Tiên
Thương mại quý I/2018 có thể tăng tới 40% so với cùng kỳ năm 2017. Ảnh: Lê Tiên

Kịch bản nào cho tăng trưởng?

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện đôn đốc thực hiện nhiều nhiệm vụ, công việc quan trọng. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty phải hoàn thành việc xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2018 theo từng quý, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 15/3/2018.

Đến thời điểm này, báo cáo sơ bộ kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2018 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) gửi lên Thủ tướng Chính phủ. Những tuần qua, để đảm bảo tiến độ và chất lượng báo cáo theo yêu cầu, Bộ KH&ĐT đã quyết liệt hối thúc các bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gửi báo cáo kế hoạch năm về Bộ để làm cơ sở xây dựng và hoàn thiện các kịch bản tăng trưởng năm 2018.

Trước đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 đã được Chính phủ xác định trong Nghị quyết số 01/NĐ-CP ban hành ngày 1/1/2018 với mức tăng 6,7%. Tuy nhiên, trước những diễn biến tích cực của kinh tế 2 tháng đầu năm, hứa hẹn tạo đà thuận lợi cho tăng trưởng năm 2018, kỳ vọng về một mức tăng trưởng cao hơn mục tiêu đã được người đứng đầu Chính phủ nêu ra.

Dự báo về một mức tăng trưởng cao cho năm 2018 thực tế đã được nhiều chuyên gia, tổ chức nghiên cứu kinh tế đưa ra trước đó. Điển hình như Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt tới 6,8%, thậm chí cao hơn nếu các chính sách cải thiện bên cung phát huy tác dụng. 

Còn nhiều dư địa cho tăng trưởng

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tăng trưởng kinh tế năm 2018 đang được hưởng lợi từ đà tăng trưởng của năm 2017 và tính chu kỳ của nền kinh tế. Trong khi đó, chu kỳ của nền kinh tế trong ngắn hạn lại đang cho thấy xu hướng tiếp tục phục hồi từ quý II/2017, báo hiệu khả năng tăng trưởng khả quan của nền kinh tế trong năm nay.

Nhận định nêu trên được minh chứng rõ trên thực tế. Một trong những chỉ số quan trọng nhất tác động tới tăng trưởng kinh tế là chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong hai tháng đầu năm nay tăng tới 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 6 lần so với mức tăng 2,4% của cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh là cơ sở để kỳ vọng tăng trưởng GDP quý I/2018 sẽ cao hơn khá nhiều so với mức tăng trưởng 5,15% của quý I/2017.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, hiện dư địa tăng trưởng ở một số ngành, lĩnh vực còn khá lớn. Rõ nhất là trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản. Đây dù là lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam nhưng những năm qua tăng trưởng lại chưa cao (năm 2017 chỉ tăng 2,9%). Trong năm 2018, nếu được khai thác tốt, tăng trưởng của lĩnh vực này có thể đạt tới 3,5%. Và thực tế cho thấy trong 2 tháng đầu năm 2018, với kim ngạch xuất khẩu đạt 6,1 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2017, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đang cho thấy sự tăng trưởng khá ấn tượng.

Một lĩnh vực khác cũng còn nhiều dư địa tăng trưởng nhưng chưa được khai thác tối đa hiệu quả trong năm 2017 là du lịch. Trước đó, theo thống kê được công bố, năm 2017, ngành du lịch tăng trưởng gần 30% so với năm 2016. Nếu trong năm 2018, chúng ta tập trung khai thác tối đa hiệu quả từ lĩnh vực này thì du lịch vẫn sẽ là ngành có đóng góp đáng kể cho tăng trưởng GDP.

Đến thời điểm này, theo thống kê sơ bộ, quý I/2018 ngành du lịch có thể tăng trưởng 60%; thương mại có thể sẽ tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, con số dự báo tăng trưởng GDP 7,41% trong quý I/2018, nếu đạt được, sẽ là mức tăng trưởng quý I cao nhất trong nhiều năm qua và cao hơn đáng kể so với mức 5,15% của cùng kỳ năm ngoái.   

Chuyên đề