Khai mạc Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2017: Tăng năng suất – đòn bẩy cho phát triển bền vững

(BĐT) - Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2017 (VDF) vừa khai mạc sáng ngày 13/12, tại Hà Nội. Với chủ đề "Tăng năng suất – đòn bẩy cho phát triển bền vững", Diễn đàn năm nay đi thẳng vào vấn đề trọng tâm trong chính sách phát triển của Việt Nam hiện nay để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững.
Diễn đàn VDF 2017 vừa khai mạc sáng nay 13/12 tại Hà Nội. Ảnh: Lê Tiên
Diễn đàn VDF 2017 vừa khai mạc sáng nay 13/12 tại Hà Nội. Ảnh: Lê Tiên

VDF do Bộ KH&ĐT và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức, là diễn đàn thường niên để các cơ quan của Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển cùng chia sẻ về chính sách phát triển cho Việt Nam. Hướng đến chủ đề Tăng năng suất, các tham luận tại VDF 2017 hướng đến phân tích thực trạng và các trở ngại cho việc tăng năng suất tại Việt Nam, từ đó đề ra các giải pháp cụ thể để thúc đẩy tăng năng suất.

Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, tăng năng suất là giải pháp quan trọng, lâu dài cho Việt Nam phát triển, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và bắt kịp các nền kinh tế phát triển trong thời gian tới khi các nhân tố trước đây đóng vai trò động lực cho tăng trưởng như thâm dụng vốn, lao động, tài nguyên thiên nhiên,… đến nay cơ bản đã phát huy hết vai trò lịch sử trong giai đoạn đầu phát triển.

Lời giải đầu tiên cho bài toán tăng năng suất được đưa ra từ ông Ousmane Dione – Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Theo ông Ousmane Dione, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng ấn tượng nhưng vẫn còn quan ngại về tăng trưởng năng suất yếu. Cần có những cải thiện đồng bộ về hiệu suất ở tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. “Còn nhiều dư địa để Việt Nam tăng năng suất”, ông Ousmane Dione khẳng định, và chỉ ra như cải thiện hiệu suất trong các ngành kinh tế, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, hiệu quả giao thông, logistic, liên kết chặt và hiệu quả hơn giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước,…

Để tăng năng suất, ông Ousmane Dione cho rằng cần đi vào nhiều giải pháp, trong đó phải phân bổ nguồn lực công bằng, đảm bảo sân chơi bình đẳng, minh bạch cho tất cả các thành phần kinh tế. Việc giáo dục kỹ năng và có cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo cần đặc biệt được chú trọng trong quá trình tìm kiếm tăng trưởng năng suất.

Song song với đó, bối cảnh Việt Nam hiện nay cũng buộc Việt Nam phải huy động và sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực công hiếm hoi để thực hiện các chương trình nghị sự về phát triển trong vòng 5 năm tới khi nguồn vốn hỗ trợ phát triển ưu đãi ít dần. Theo ông Ousmane Dione, có thể bằng cách huy động tốt hơn thu nội địa, nang cao hiệu suất chi tiêu công, quản lý nợ và xây dựng thị trường nợ trong nước hiệu quả để đảm bảo đạt mục tiêu phát triển mà không làm nợ tăng lên ở mức thiếu bền vững. Đặc biệt, cần tạo môi trường thông thoáng thuận lợi để khu vực tư nhân tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng. “Tôi rất trông chờ vào luật mới về PPP sẽ giải quyết được nhiều thách thức trong đầu tư theo hình thức này hiện nay”, ông Ousmane Dione nhấn mạnh.

Chuyên đề